Bắt quả tang doanh nghiệp xả thải nước chưa qua xử lý ra sông Sa Lung. Túc trực 24/7 kiểm soát vận chuyển động vật vào địa bàn Hà Tĩnh. Hồng không hạt Bắc Kạn được mùa, được giá. Hải Dương chi 6,5 tỷ đồng hỗ trợ liên kết và tiêu thụ sản phẩm.
Bắt quả tang doanh nghiệp xả thải nước chưa qua xử lý ra sông Sa Lung
Võ Dũng sx
Trưa 19/9, đoàn công tác UBND huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) bắt quả tang Nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty TNHH MTV Đức Hiền Quảng Trị đóng tại địa bàn xã Vĩnh Long có hành vi xả thải nguồn nước chưa qua xử lý ra sông Sa Lung.
Tại hiện trường, một dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc chảy ra từ hệ thống đường dẫn ngầm đổ thẳng ra sông Sa Lung.
Ngoài hệ thống thu gom, xử lý nước thải sản xuất chảy vào hồ xử lý, công ty này tự ý lắp đặt một đường ống ngầm đi qua vườn của người dân để xả thải nước chưa qua xử lý vào sông Sa Lung.
Đây không phải lần đầu, kể từ năm 2022, Công ty Đức Hiền vi phạm các quy định của Pháp luật về bảo vệ môi trường.
Trước đó, từ tháng 3/2023, tôm nuôi của người dân ở hạ nguồn, lấy nước từ sông sông Sa Lung chảy về liên tiếp bị chết. Quá bức xúc, người dân đi thuyền ngược sông Sa Lung và phát hiện nước sông đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Tại vùng thượng nguồn thuộc địa bàn xã Vĩnh Long thời điểm đó có một số đơn vị chế biến mủ cao su, trong đó có Công ty TNHH MTV Đức Hiền.
Túc trực 24/7 kiểm vận chuyển động vật vào địa bàn Hà Tĩnh
Thanh Nga sx
Thực hiện Công điện số 426/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Bộ NN-PTNT về việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam. Thời gian vừa qua, UBND Hà Tĩnh đã yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và thú y tăng cường lực lượng túc trực 24/7 kiểm soát hoạt động vận chuyển gia súc, gia cầm vào địa bàn Hà Tĩnh.
Theo đó, mỗi ngày, Trạm kiểm dịch động vật phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh (thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh) tổ chức 3 ca trực, mỗi ca 2 kiểm dịch viên kiểm soát bình quân từ 30 - 35 phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm động vật đi qua địa bàn. Đồng thời trang bị thêm các thiết bị soi chiếu nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, phối hợp các lực lượng công an, quản lý thị trường để xử lý nghiêm những trường hợp vận chuyển động vật không đủ giấy tờ, không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ.
Hồng không hạt Bắc Kạn được mùa, được giá
Ngọc Tú sx
Hồng không hạt là cây trồng chủ lực của tỉnh Bắc Kạn, diện tích trên 800 ha, tập trung ở các huyện Ba Bể, Chợ Đồn, Ngân Sơn. Một ha cây hồng không hạt có thể cho sản lượng khoảng 15 tấn quả một vụ. Năm nay, giá bán dao động từ 20 đến 25 nghìn đồng/kg. Trung bình một ha cho thu nhập trên 350 triệu đồng. Vụ thu hoạch năm nay, người trồng hồng không hạt ở Bắc Kạn phấn khởi khi năng suất khá hơn những năm trước, bán được giá cao. Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn không tập trụng phát triển ồ ạt diện tích trồng loại cây trồng này mà khuyến khích người dân, các hợp tác xã thâm canh, chuyển dần sang canh tác hữu cơ để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao. Hồng không hạt cũng là sản phẩm OCOP đang được các hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn chú trọng phát triển, sản phẩm đã có mặt ở hầu hết các siêu thị lớn.
Hải Dương chi 6,5 tỷ đồng hỗ trợ liên kết và tiêu thụ sản phẩm
Phạm Huy khai thác
UBND tỉnh vừa phê duyệt Quyết định hỗ trợ các Kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương trong 2 năm 2022 và 2023.
Theo đó, UBND tỉnh chi hơn 6,5 tỷ đồng để hỗ trợ cho 8 liên kết và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, 3 kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trứng gà, lợn thịt với kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng; lĩnh vực thủy sản có 4 kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ cá trắm, chép và rô phi với kinh phí hơn 3,9 tỷ đồng; 1 kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ khoai tây với kinh phí 141 triệu đồng.
Kinh phí từ nguồn sự nghiệp nông, lâm nghiệp và phòng chống lụt bão năm 2023.