Japfa đề xuất luân chuyển con giống giữa các quốc gia trong mạng lưới của Tập đoàn. Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản. Nuôi ong lấy mật kết hợp du lịch lợi nhuận cao. Hà Tĩnh nhân rộng mô hình mạ khay, máy cấy.
(Tin 1) Japfa đề xuất luân chuyển con giống giữa các quốc gia trong mạng lưới Tập đoàn
Thảo Phương sx
Chiều ngày 12/1, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tiếp và làm việc với đại diện Công ty TNHH Japfa Việt Nam.
Tại buổi làm việc, ông Arif Widjaja - Giám đốc Japfa Việt Nam cho biết: Japfa được thành lập tại Indonesia năm 1971 và là tập đoàn đa quốc gia với mạng lưới 5 nước gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Băng la đét và Myanmar.
Do đó, tập đoàn muốn được chuyển giao công nghệ, cung ứng gà giống, con giống, luân chuyển nội bộ giữa các quốc gia trong mạng lưới của Tập đoàn.
Trước đề xuất trên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu Tập đoàn Japfa tại Indonesia có văn bản gửi lên Bộ NN-PTNT, sau đó phía lãnh đạo Bộ sẽ họp các cơ quan như Cục Thú ý, Cục Chăn Nuôi, Vụ Pháp chế để đi đến thỏa thuận kí kết Biên bản ghi nhớ hợp tác.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao những đóng góp của Japfa Việt Nam trong nhiều năm qua. Năm 2023, sản lượng thức ăn chăn nuôi cả nước đạt 20 triệu tấn, trong đó công ty Japfa đóng góp một phần rất lớn với 1,5 triệu tấn.
(Tin 2) Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản
Tâm Phùng - Tâm Đức sx
Tối 12/1, tại xã biên giới Dân Hóa, huyện Minh Hóa, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị tổ chức Chương trình “Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân Bản”.
Đây là hoạt động thường niên, gồm chuỗi các hoạt động ý nghĩa, thiết thực như khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, các trò chơi dân gian, tổ chức 7 gian hang 0 đồng, tặng quà cho bà con, liên hoan văn nghệ đón Xuân…
Cũng trong chương trình này, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và các đơn vị đồng hành, nhà tài trợ đã trao tặng các suất quà ý nghĩa, hỗ trợ mô hình sinh kế cho đồng bào với tổng trị giá gần 2,2 tỷ đồng.
Nuôi ong lấy mật kết hợp du lịch lợi nhuận cao
Văn Vũ sx
Với ý tưởng đa dạng loại hình du lịch miền Tây sông nước, anh Hồ Công Minh ở Cồn Sơn là người tiên phong phát triển mô hình nuôi ong Ý lấy mật, kết hợp với du lịch trải nghiệm.
Sau một thời gian trải nghiệm thực tế, nhận thấy loài ong Ý vừa cho năng suất làm mật cao lại lành tính, ít đốt người, anh đã mạnh dạn cho khách tham quan và trải nghiệm thực tế thu hoạch mật ong. Bình quân 1 tháng thu hút vài nghìn lượt khách trải nghiệm thu hoạch, và mua mật ong. Ngoài ra, đây là sản phẩm du lịch mùa vụ, chỉ diễn ra từ khoảng tháng 2 - 5, khi những vườn trái cây tại cồn Sơn rộ bông. Khi tàn, anh sẽ di chuyển "nhà ong" đến những vườn nhãn các tỉnh lân cận để hút mật. Với 30 thùng ong Ý hiện tại, mỗi tháng anh Minh thu hoạch được từ 100 -120 lít mật ong, bán cho khách với giá 400 nghìn đồng một lít, lợi nhuận tới vài chục triệu đồng.
(Tin 4) Hà Tĩnh nhân rộng mô hình mạ khay, máy cấy
Thanh Nga sx
Vụ xuân năm 2024, một số địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, với phương thức làm mạ khay, sử dụng máy cấy theo công nghệ Nhật Bản. Quy mô sản xuất áp dụng công nghệ này khoảng 122 ha, tập trung tại các huyện Cẩm Xuyên, Can Lộc và thành phố Hà Tĩnh.
Hiện tại, hơn 30.000 khay mạ đã được người dân gieo bằng máy với các giống chất lượng cao ST25, DT39.
Việc áp dụng máy để sản xuất mạ khay giúp cây mạ khỏe, sinh trưởng phát triển tốt, độ đồng đều cao, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.