Xử lý triệt để nhóm tàu cá ‘3 không’. Giá lúa đông xuân ở Sóc Trăng cao kỷ lục. Cà Mau có khoảng 91km bờ biển tiếp tục sạt lở. Bình Định có gần 10.000 ha rừng gỗ lớn.
Xử lý triệt để nhóm tàu cá ‘3 không’
Thanh Nga sx
Sau khi kiểm tra thực trạng bồi lắng nghiêm trọng tại cáccảng cáCửa Hội - Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân; Cửa Sót, huyện Lộc Hà và hoạt động khai báo ra vào cảng cá vào sáng nay, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị tỉnh Hà Tĩnh cần quyết liệt thực hiện triệt để 3 nội dung chính gồm: kiểm soát tàu cá “3 không”; ghi nhật ký khai thác đúng quy định và xử phạt hành chính tàu các vi phạm một cách nghiêm túc. Đối với các kiến nghị của tỉnh về nạo vét các cảng cá bị bồi lắng, Bộ NN-PTNT sẽ đồng hành cùng với Hà Tĩnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ để sớm bố trí vốn thực hiện các nội dung này, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho tàu cá ra vào cảng.
Toàn tỉnh Hà Tĩnh có hơn 2.700 tàu cá đã được đăng ký. Từ trước đến nay chưa phát hiện tàu cá Hà Tĩnh vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài; riêng năm 2023 các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 45 vụ/50 tàu cá vi phạm các quy định IUU; xử phạt hành chính hơn 600 triệu đồng.
Giá lúa đông xuân ở Sóc Trăng cao kỷ lục
Văn Vũ
Thời điểm này, một số địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng như huyện Long Phú, Trần Đề đã bắt đầu thu hoạch chính vụ lúa đông xuân. Hiện giá lúa thường từ 8.700 - 10.000 đồng một kg, lúa thơm từ 9.700 - 10.000 đồng một kg, nhóm lúa ST có giá từ 11.000- 13.000 đồng/kg. Theo ghi nhận, giá lúa năm nay cao hơn nhiều so với những năm trước và được xem là mức cao kỷ lục tại Sóc Trăng từ trước đến nay.
Ông Trần Vĩnh Nghi, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng cho biết, vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 toàn tỉnh xuống giống khoảng 171.000 ha. Đến nay, gần 20.000ha đang trong giai đoạn thu hoạch, năng suất ước đạt trên 6 tấn/ha, sản lượng trên 109.000 tấn.
Cà Mau có khoảng 91km bờ biển tiếp tục sạt lở
Trọng Linh
Ngày 12/1, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cùng với đoàn công tác Bộ NN-PTNT dự "Tổng kết mô hình hợp tác công tư trong xây dựng công trình phòng, chống sạt lở ven biển tại Khu du lịch Khai Long thuộc ấp Khai Long, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.
Những năm qua, tỉnh Cà Mau đã đầu tư xây dựng gần 63km kè bảo vệ bờ biển với tổng kinh phí 2.018 tỷ đồng. Những công trình kè chống sạt lở bờ biển đầu tư hoàn thiện đã phát huy hiệu quả rõ rệt, làm giảm sóng, chống sạt lở và bước đầu đã gây bồi, tạo bãi, khôi phục gần 1.000ha rừng phòng hộ.
Tuy vậy, bờ biển Cà Mau đang tiếp tục bị sạt lở khoảng 91km, với các mức độ khác nhau. Nếu không có giải pháp bảo vệ ngay thì trong thời gian tới sạt lở ven biển sẽ tiếp tục làm mất thêm rất nhiều diện tích đất, rừng phòng hộ.
Bình Định có gần 10.000 ha rừng gỗ lớn
Thực hiện: Vũ Đình Thung
Bình Định là tỉnh dẫn đầu khu vực duyên hải Nam Trung bộ về trồng rừng sản xuất. Tuy nhiên, người trồng rừng thường khai thác khi cây còn nhỏ nên chưa phát huy hết hết tiềm năng kinh tế của rừng trồng. Trước thực tế này, đề án trồng rừng gỗ lớn đã ra nhằm gia tăng hiệu quả kinh tế và đưa nghề trồng rừng phát triển bền vững. Đến nay, diện tích trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh đã đạt 9.882 ha, trong đó: trồng mới: 448 ha; chuyển hóa gần 6.500 và trồng lại gần 3.000 ha. Năm 2024, tỉnh đặt mục tiêu nâng diện tích trồng rừng gỗ lớn thêm 2.000 ha. Đồng thời, nâng cao năng suất, chất lượng bằng biện pháp thâm canh, sử dụng cây giống nuôi cấy mô, giống lâm nghiệp mới.