Huy động gần 9,5 nghìn tỷ đồng thực hiện Đề án Một tỷ cây xanh. Thời tiết thuận lợi, hoa lay ơn hứa hẹn nở trúng tết. Thuần hóa ong rừng nuôi lấy mật, mỗi vụ thu hàng chục triệu đồng
Huy động gần 9,5 nghìn tỷ đồng thực hiện Đề án Một tỷ cây xanh
Sáng nay, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị chủ trì Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án Một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025. Thống kê từ Cục Lâm Nghiệp cho thấy, 3 năm qua, các Bộ, ban, ngành, địa phương đã huy động gần 9,5 nghìn tỷ đồng thực hiện Đề án Một tỷ cây xanh. Trong đó, ngân sách Nhà nước gần 2,3 nghìn tỷ đồng; vốn xã hội hóa trên 4,1 nghìn tỷ đồng; phần còn lại là vốn ODA và nguồn vốn khác.
Ngoài nguồn vốn huy độn còn có sự đóng góp về nguồn lực, sự tình nguyện của các tổ chức, đoàn thể, quần chúng, các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh.
Đến nay, các Bộ, ban, ngành, địa phương đã trồng được gần 770 triệu cây xanh, đạt trên 121% kế hoạch đề ra. Theo kế hoạch, giai đoạn 2024 -2025 sẽ có trên 492 triệu cây xanh được trồng từ Đề án Một tỷ cây xanh.
Thời tiết thuận lợi, hoa lay ơn hứa hẹn nở trúng tết
Hằng năm bắt đầu từ trung tuần tháng 10 âm lịch, nông dân xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên chuyển sang trồng hoa lay ơn.
Thời điểm này, nông dân cần mẫn, chăm sóc tỉ mỉ từng luống hoa để nở đúng dịp tết phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Nghề trồng hoa đòi hỏi người trồng phải chịu khó, không chỉ xuống giống đúng thời vụ mà phải thường xuyên có mặt tại vườn tưới nước, tỉa lá, làm cỏ, đặc biệt là bồi đất để khi tưới nước hoặc có gió không làm cây bị gãy đổ, đảm bảo cho hoa phát triển tốt.
Ông Cao Xuân Trí, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Ngọc cho biết, vụ hoa lay ơn năm nay, toàn xã trồng 24 ha giống các loại gồm đỏ nhung, đỏ tươi, đỏ tai vuông, vàng, tím cẩm. Thời gian qua, thời tiết khá thuận lợi, hoa phát triển tốt, không nhiễm sâu bệnh, ít tốn phân thuốc, nên bà con kỳ vọng toàn bộ diện tích trồng ở các vườn sẽ nở trúng tết, bội thu.
Thuần hóa ong rừng nuôi lấy mật, mỗi vụ thu 20 triệu đồng
Vào tháng 10 âm lịch hàng năm, những đàn ong ruồi sống tự nhiên trên các cánh rừng ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh bắt đầu hành trình tìm chỗ trú đông, tránh rét. Lúc này, anh Nguyễn Văn Thao, ở xã Sơn Lâm đóng tổ để thu phục các đàn ong rừng này đem về nhà nuôi lấy mật.
Dụng cụ bắt ong rừng là một chiếc vợt và các tổ đóng bằng gỗ tròn, khoét rỗng ruột, trên tổ đục lỗ để ong tiện bay vào. Sau khi gom hết quân của đàn ong, anh Thao đem về nhà nuôi để lấy mật, bình quân mỗi tổ cho thu hoạch từ 4 – 7 lít mật. Với số lượng 20 tổ ong đang nuôi, mỗi mùa đem về thu nhập cho gia đình anh Thao hơn 20 triệu đồng.