Kéo dài thời gian thí điểm Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. HCM. Theo dõi sát thị trường gạo, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu. Thả 1 triệu con giống tái tạo nguồn lợi thủy sản sông Hồng. Giá ếch nuôi cao nhất 70.000 đồng/kg.
KÉO DÀI THỜI GIAN THÍ ĐIỂM BAN QUẢN LÝ AN TOÀN THỰC PHẨM TP. HCM
Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP. HCM được kéo dài thời gian thí điểm từ 1/4 đến khi Thủ tướng quyết định mô hình hoạt động chính thức.Quyết định do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký, giao UBND TP HCM đánh giá kết quả thực hiện thí điểm, phối hợp với các bộ ngành nghiên cứu, sửa quy định liên quan.Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM ra đời năm 2016, có nhiệm vụ giúp thành phố thực thi pháp luật về an toàn, vệ sinh thực phẩm trên địa bàn. Trong tờ trình gửi Thủ tướng, UBND TP HCM cho biết việc thí điểm Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM đem đến nhiều kết quả tích cực. Do đó, thành phố đề xuất cơ chế đặc thù về mô hình cơ quan đầu mối quản lý an toàn thực phẩm.
THEO DÕI SÁT THỊ TRƯỜNG GẠO, ĐẢM BẢO HIỆU QUẢ XUẤT KHẨU (THANH SƠN - NGUYỄN THUỶ)
Trước tín hiệu nhu cầu từ các thị trường như Indonesia, Philippines, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương vừa đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ động theo dõi sát tình hình thị trường, đánh giá đẩy đủ cơ hội cũng như rủi ro để xây dựng phương án giao dịch, ký kết hợp đồng phù hợp, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu và góp phần tiêu thụ hết lúa, gạo hàng hóa cho nông dân.Bên cạnh đó, lưu ý phương án phòng ngừa các rủi ro về giá cả, thanh toán và giao hàng trong bối cảnh thương mại thế giới đang chịu nhiều tác động.2 tháng đầu năm nay, cả nước đã xuất khẩu gần 900 nghìn tấn gạo, trị giá 473 triệu đô la Mỹ, giảm 8,3% về lượng nhưng tăng 0,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
THẢ 1 TRIỆU CON GIỐNG TÁI TẠO NGUỒN LỢI THỦY SẢN SÔNG HỒNG
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định vừa tổ chức phát động Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản năm 2023 và thả 1 triệu con cá giống xuống sông Hồng nhằm tái tạo nguồn lợi thuỷ sản tại Vườn Quốc gia Xuân ThuỷÔng Trần Anh Dũng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định cho biết, những năm gần đây, tình trạng khai thác quá mức khiến nguồn lợi thủy sản ngoài tự nhiên suy giảm nghiêm trọng, nhiều loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Hoạt động thả con giống tái tạo nguồn lợi thủy sản giúp cân bằng sinh thái tự nhiên, tuyên truyền để cộng đồng cùng chung tay bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.
GIÁ ẾCH NUÔI CAO NHẤT 70.000 ĐỒNG/KG
So với cách nay khoảng 1 tháng, giá ếch nuôi tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã tăng thêm từ 5.000-7.000 đồng/kg và đang ở mức cao kỷ lục trong nhiều năm qua. Hiện nay, ếch thịt loại 3-5 con/kg được nông dân bán cho thương lái và các vựa thu mua với giá từ 59.000-65.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 15.000 đồng/kg so với hồi đầu năm 2023 và cao hơn 19.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Riêng ếch được nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAP được một số hộ dân cung ứng cho nhà hàng, khách sạn và một số đầu mối thu mua với giá lên đến 70.000 đồng/kg. Theo các hộ nuôi, giá ếch tăng cao do nguồn cung hạn chế và nhu cầu ếch thịt phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước lớn.