Khánh thành nhà máy chế biến cà phê công suất 50.000 tấn/năm. Cả nước có 562 tổ khuyến nông cộng đồng. Phú Nông cùng hội viên đặt mục tiêu 'hết sâu - sạch bệnh' trên lúa. Bình ổn giá thịt lợn trong những tháng cuối năm.
KHÁNH THÀNH NHÀ MÁY CHẾ BIẾN CÀ PHÊ CÔNG SUẤT 50.000 TẤN/NĂM
An Khang - Sản xuất
Nằm trong chuỗi các hoạt động của Lễ hội Cà phê Sơn La lần thứ nhất năm 2023, hôm nay (21/10), UBND tỉnh Sơn đã tổ chức Lễ khánh thành Nhà máy chế biến cà phê Sơn La. Tới dự lễ cắt băng khánh thành có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.
Nhà máy chế biến cà phê Sơn La do Công ty cổ phần chế biến cà phê Sơn La đầu tư xây dựng tại bản Thống Nhất, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, công suất thiết kế 50.000 tấn quả tươi/năm; gồm dây chuyền xát ướt tiết kiệm nước tuần hoàn và dây chuyền xát khô kín không phát bụi. Đặc biệt, với quy trình sản xuất tuần hoàn, toàn bộ vỏ cà phê và các phụ phẩm trong quá trình chế biến được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ của Nhà máy phân bón Sông Lam Tây Bắc.
CẢ NƯỚC CÓ 562 TỔ KHUYẾN NÔNG CỘNG ĐỒNG
Đinh Mười - Sản xuất
Ngày 21/10, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT Hải Phòng tổ chức tọa đàm với chủ đề “Giải pháp tổ chức và hoạt động tổ khuyến nông cộng đồng có hiệu quả”. Sau hơn 1 năm hoạt động, tổ khuyến nông cộng đồng bước đầu đạt được hiệu quả, đặc biệt là công tác tham gia chỉ đạo sản xuất, phòng chống dịch bệnh tại cơ sở. Tuy vậy, hoạt động của nhiều tổ khuyến nông cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là cơ chế chính sách thúc đẩy sản xuất, vốn vay hỗ trợ tổ khuyến nông cộng đồng đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ cho hoạt động, công tác dịch vụ.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đề xuất sớm ban hành cơ chế chính sách cho tổ khuyến nông cộng đồng để hoạt động hiệu quả hơn, góp phần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới phù hợp với tiến trình công nghiệp hoá và đô thị hoá. Hiện, cả nước có 562 tổ khuyến nông cộng đồng với 4.276 thành viên tham gia. Trong đó, riêng Hải Phòng có 138 tổ với hơn 1.100 thành viên.
PHÚ NÔNG CÙNG HỘI VIÊN ĐẶT MỤC TIÊU 'HẾT SÂU - SẠCH BỆNH' TRÊN LÚA
Hồ Thảo - Sản xuất
Ngày 12/10, tại Cần Thơ, Công ty TNHH Phú Nông tổ chức buổi họp mặt thành viên CLB Phú Nông khu vực ĐBSCL. Tại sự kiện đại diện Công ty Phú Nông đã trao thẻ hội viên cho hơn 600 nông dân tại khu vực ĐBSCL.
Theo ông Hoàng Đức Thuận, Giám đốc kinh doanh Công ty Phú Nông, với chủ đề “HẾT SÂU - SẠCH BỆNH” ngoài việc tạo ra sân chơi bổ ích, thiết thực Công ty Phú Nông muốn gửi đến khách hàng những kiến thức, kinh nghiệm để canh tác hiệu quả và gia tăng lợi nhuận. Bên cạnh đó, Phú Nông sẽ không ngừng đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm đem đến cho hội viên những quyền lợi cao nhất.
BÌNH ỔN GIÁ THỊT LỢN TRONG NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM
Khai thác
Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, theo tính chu kỳ dịp cuối năm, nhu cầu thịt của thị trường tăng khoảng 15%, còn tính riêng tại các siêu thị con số này có thể là 10%. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mặt hàng thịt vào dịp cuối năm tăng lên, nhiều doanh nghiệp bán lẻ và nhà sản xuất đã tăng cường số lượng, chủng loại sản phẩm để đưa ra thị trường, với cam kết bình ổn giá.
Với thế mạnh có tổng đàn lợn thịt năm nay khoảng 350.000 con, doanh nghiệp tự tin chủ động nguồn cung dồi dào cho thị trường. Ngoài ra, họ sở hữu quy trình sản xuất thực phẩm an toàn, bắt đầu từ thức ăn chăn nuôi tới quá trình nuôi ở các trang trại và chế biến thực phẩm. Điều này lầm giảm tối thiểu chi phí trung gian, và doanh nghiệp có thể cam kết bình ổn giá thịt lợn tới tay người tiêu dùng từ nay đến cuối năm.