Sở NN-PTNT Đồng Tháp và Báo Nông nghiệp Việt Nam tăng cường hợp tác truyền thông. Người trồng mít lãi từ 10 - 20 nghìn đồng/kg. Bến Tre có hơn 18.000 ha dừa sản xuất hữu cơ. Chủ động phòng ngừa, ứng phó thiên tai.
SỞ NN-PTNT ĐỒNG THÁP VÀ BÁO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC TRUYỀN THÔNG
Hồ Thảo sx
Báo Nông nghiệp Việt Nam và Sở NN-PTNT Đồng Tháp vừa ký kết bản thỏa thuận hợp tác đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 19 của Đảng và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2023 -2025 .
Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho rằng, việc đẩy mạnh thông tin tuyên truyền với Báo Nông nghiệp Việt Nam để triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển NN-PTNT là rất cần thiết. Góp phần lan tỏa các thông tin nông nghiệp, mô hình hay đến với người dân. Hoạt động ký kết sẽ mở ra bước phát triển mới cho công tác thông tin tuyên truyền trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp ngày càng sâu rộng, hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Trưởng Văn phòng đại diện Báo NNVN tại ĐBSCL mong muốn 2 đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ để đưa các thông tin về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân đến người đọc, người xem một cách hiệu quả nhất.
Người trồng mít lãi từ 10 - 20 nghìn đồng/kg
Minh Phúc khai thác
Nhiều hộ dân tại Đồng Tháp có mít bán trong thời điểm này cho biết, mỗi cân mít Thái bán ra có thể thu lợi nhuận từ 10 - 20 nghìn đồng/kg. Trong thời gian tới, giá mít Thái có thể tiếp tục tăng.
Cụ thể, giá mít Thái loại 1 (cỡ 9 kg/trái trở lên) được thương lái thu mua tại vườn với giá 30 nghìn đồng/kg; mít loại 2 hơn 20 nghìn đồng/kg.
Mức giá này tăng khoảng 15 - 20 nghìn đồng/kg so với tháng trước. Giá mít Thái tăng và giữ ở mức khá cao, vì nguồn cung khan hiếm nên sản lượng mít thu hoạch trong đợt này là không nhiều.
Tỉnh Đồng Tháp đề ra mục tiêu đến năm 2025 phát triển diện tích trồng mít thái là hơn 4.000ha, trồng tập trung, an toàn và bền vững, đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, phù hợp thị trường tiêu thụ và tăng thu nhập cho người sản xuất, tăng giá trị xuất khẩu, thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Bến Tre có hơn 18.000 ha dừa sản xuất hữu cơ
Minh Đảm sx
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, đến nay, diện tích dừa tham gia chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh đạt trên 23.700 ha, chiếm trên 30% tổng diện tích dừa của tỉnh. Sản lượng dừa tham gia chuỗi giá trị đạt trên 230.000 tấn/tổng sản lượng dừa toàn tỉnh là 688.000 tấn, có 32 tổ hợp tác và 30 hợp tác xã tham gia liên kết, tổ chức sản xuất với sự đồng hành của các doanh nghiệp dẫn dắt trong chuỗi sản phẩm dừa.
Bên cạnh đó, diện tích dừa hữu cơ trên địa bàn tỉnh đạt trên 18.000 ha, trong đó diện tích đạt chứng nhận là 11.630 ha theo tiêu chuẩn Mỹ, Nhật và EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan.
Sản phẩm dừa Bến Tre đã đạt chứng nhận quốc tế để lưu thông trên thị trường thế giới như: ISO 22000: 2005, HACCP, HALAL, KOSSHER, BRC, GMP, Hữu cơ được cơ quan FDA của Hoa Kỳ cấp mã số FDA và SID, công nghệ chế biến UHT... Các sản phẩm dừa của Bến Tre hiện đã có mặt trên thị trường của hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, ngày càng đi vào thị trường tiêu chuẩn cao và đầy tiềm năng như Châu Âu, Mỹ, Trung Đông... với hơn 90 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu.
Chủ động phòng ngừa, ứng phó thiên tai
Thực hiện: Vũ Đình Thung
Huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định là địa phương thường xuyên xảy ra hiện tượng sạt lở đất, ngập úng cục bộ, gây chia cắt giao thông. Toàn huyện có hơn 1.450 hộ với hàng nghìn người đang sinh sống trong vùng thấp trũng, ven sông, suối, gần núi có nguy cơ chịu ảnh hưởng bởi sạt lở đất, ngập lụt, lũ quét cần phải di dời khi có mưa, lũ lớn xảy ra. Nhằm phòng ngừa, chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, huyện Vĩnh Thạnh đã chủ động khảo sát, dự lường các loại hình thiên tai có thể xảy ra ở từng khu vực để tổ chức diễn tập, xây dựng kịch bản ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”; kiện toàn các ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; thành lập các đội xung kích sẵn sàng tham gia ứng phó khi có sự cố xảy ra; chủ động phương án cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm trước mùa mưa bão...