Khoa học công nghệ cần trở thành phúc lợi của nông dân. Dự án hồ Cánh Tạng chậm tiến độ 2 năm. TP.HCM chi 90 tỷ đồng sửa chữa bờ kè Thanh Đa bị sạt lở. Hàng trăm công trình cấp nước nông thôn kém hiệu quả.
KHOA HỌC CÔNG NGHỆ CẦN TRỞ THÀNH PHÚC LỢI CỦA NÔNG DÂN
Thanh Thủy sx
Ngày 22/8, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan có buổi làm việc với Bộ KH-CN, trao đổi về vấn đề phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học vào các sản phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị và tính bền vững.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, sức mạnh của khoa học công nghệ cần đến được với người nông dân, trở thành phúc lợi của người nông dân. Khoa học cũng cần có cách tiếp cận phù hợp với ngành nông nghiệp, nông dân, đó là đơn giản và dễ ứng dụng khoa học công nghệ.
Về phía Bộ KH-CN, ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật đề xuất 2 bên cần phối hợp để xây dựng, hình thành các cụm nhiệm vụ, theo chuỗi giá trị phục vụ phát triển các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp, nhất là công nghệ bảo quản, chế biến nông sản, quỹ gen..
DỰ ÁN HỒ CÁNH TẠNG VẪN CHẬM TIẾN ĐỘ 2 NĂM
Quang Dũng
Sáng 23/8, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cùng đoàn công tác đã có buổi kiểm tra tiến độ triển khai dự án Hồ Cánh Tạng tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Theo Thứ trưởng, đây là một trong những công trình lớn của quốc gia và theo kế hoạch thì đến thời điểm hiện tại phải hoàn thành giai đoạn 1 và bắt đầu triển khai giai đoạn 2.
Tuy nhiên, đến nay dự án triển khai vẫn chậm hơn so với tiến độ đề ra. Việc chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân cơ bản là do liên quan đến vấn đề chuyển đổi nguồn kinh phí của tỉnh cam kết thành kinh phí của Trung ương hỗ trợ. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, quỹ thời gian để hoàn thành dự án chỉ còn 2 năm, do đó nếu các đơn vị không triển khai quyết liệt các nội dung của giai đoạn 2 ngay từ bây giờ thì dự án không thể thành công được.
Theo kế hoạch dự kiến sẽ chặn dòng từ đầu tháng 11/2023, như vậy thời gian chặn dòng chậm mất 2 năm so với kế hoạch. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị cần tập trung vào các nội dung quan trọng như bố trí tái định cư cho 68 hộ dân nằm trong khu vực dự án, thủ tục chuyển đổi đất rừng để thuận lợi cho việc chặn dòng, tích nước…
TP.HCM CHI 90 TỶ ĐỒNG SỬA CHỮA BỜ KÈ THANH ĐA BỊ SẠT LỞ
(Lê Bình - sản xuất)
Sau gần 2 tháng kể từ khi xảy ra sự cố một đoạn bờ kè Thanh Đa dài khoảng 120m bị hư hỏng, sạt lở... đến nay 15 hộ dân bị ảnh hưởng vẫn chưa thể về nhà của mình. Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết nguyên nhân dẫn đến sạt lở bờ kè Thanh Đa vì đang trong mùa mưa, triều cường xảy ra thường xuyên gây bão hòa nước, tạo áp lực nước gây nguy cơ sạt lở. Các nhà dân xây dựng cách bờ kè 3,5 m làm tăng tải trọng khu vực.
Mới đây, UBND TPHCM đã có văn bản chấp thuận phương án sửa chữa bờ kè Thanh Đa ở Phường 25, quận Bình Thạnh của Sở GTVT Thành phố sau sự cố sạt lở. Dự án có chiều dài 478 m, phạm vi giải tỏa mặt bằng của dự án là 10 m tính từ đỉnh kè vào phía bờ. Chi phí sửa chữa khoảng 90 tỷ đồng từ ngân sách địa phương.
HÀNG TRĂM CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC NÔNG THÔN KÉM HIỆU QUẢ
Lê Khánh sx
Toàn tỉnh Quảng Ngãi có 513 công trình cấp nước nông thôn thì chỉ có 29 công trình hoạt động bền vững, 13 công trình tương đối bền vững. Còn lại 345 công trình kém bền vững và 126 công trình không hoạt động.
Các công trình này được xây dựng với kinh phí hàng trăm đến hàng tỷ đồng nhưng sau khi hoàn thành không phát huy được hiệu quả thậm chí bỏ hoang.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do công tác quản lý, đầu tư xây dựng còn nhiều thiếu sót. Nhiều công trình sau khi đầu tư xây dựng hoàn thành, chủ đầu tư không kiểm tra, đánh giá các thông số đạt được so với thiết kế; không có quy trình quản lý, vận hành…
Hiện nay, Sở NN-PTNT đã kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi ưu tiên hỗ trợ kinh phí để duy tu, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn các huyện miền núi và khu vực khó khăn về nguồn nước.