Đồng Yên giảm giá khiến xuất khẩu tôm gặp khó. Tăng cường quản lý thị trường để ổn định giá gạo. Quảng Nam: Xử nghiêm hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Nâng cao kiến thức phòng chống thiên tai cho giáo viên tại Tây Nguyên.
Đồng Yên giảm giá khiến xuất khẩu tôm gặp khó
Phạm Huy khai thác
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam VASEP, Việt Nam là nguồn cung tôm lớn nhất cho thị trường Nhật Bản, chiếm thị phần khoảng 24%. Trong 6 tháng đầu năm nay, thị trường Nhật Bản mua 236 triệu USD tôm từ Việt Nam, giảm 29 % so với cùng kỳ. Giá trung bìnhxuất khẩu tôm chân trắng đông lạnh của Việt Nam sang Nhật Bản dao động từ 6,5 - 10,3 usd/kg, tương đương từ 155.000 đến 245.000 đồng/kg. Với tôm sú đông lạnh, giá dao động từ 14,1 - 17,7 usd/kg, tương đương khoảng 335.000 - 420.000 đồng/kg. Nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản nửa đầu năm nay gặp khó khăn do đồng yên sụt giá mạnh.
Tăng cường quản lý thị trường để ổn định giá gạo
Thanh Thủy ts khai thác
Theo số liệu Bộ NN-PTNT, năm 2023 cả nước gieo trồng được 7,1 triệu ha lúa, năng suất trung bình đạt 6,07 tấn/ha, sản lượng đạt trên 43 triệu tấn, tăng 452.000 tấn so với năm 2022.
Mặc dù sản lượng gạo đủ để đảm bảo an ninh lương thực nội địa và dư để xuất khẩu nhưng không vì vậy mà chủ quan. Bộ công thương đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tại địa phương theo dõi sát việc thực hiện tuyên truyền, giám sát của lực lượng Quản lý thị trường các địa phương nâng cao nhận thức về chấp hành các quy định pháp luật về kinh doanh gạo cho các tiểu thương, góp phần tạo sự ổn định trên thị trường gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Quảng Nam: Xử nghiêm hoạt động khai thác khoáng sản trái phép
Lê Khánh sx
Trước mùa mưa bão chuẩn bị bắt đầu, tỉnh Quảng Nam vừa có công điện về việc tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét trên địa bàn tỉnh này.
Theo đó, với khu vực đã phát hiện có nguy cơ sạt lở, lũ quét, địa phương và các ngành chức năng phải kiên quyết di dời người dân và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc có phương án chủ động đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại tài sản cho người dân.
Cùng với đó, các cơ quan, ban, ngành, địa phương kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch xây dựng và hoạt động xây dựng, nhất là việc xây dựng nhà cửa, công trình ở khu vực địa hình sườn dốc, ven sông, suối, kênh rạch, ven biển, vùng có nguy cơ xảy ra tai biến địa chất. Đồng thời tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm hoạt động khai thác khoáng sản trái phép để giảm nguy cơ rủi ro thiên tai, hạn chế xảy ra sạt lở, lũ quét, ngập úng.
Nâng cao kiến thức phòng chống thiên tai cho giáo viên THCS tại Tây Nguyên
Sáng 21/8, Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Vụ Cơ sở vật chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và Công ty Acecook Việt Nam tổ chức hội thảo tích hợp kiến thức phòng chống thiên tai vào chương trình các môn học, hoạt động giáo dục cho học sinh cấp trung học cơ sở.
Buổi tập huấn với mục đích hướng dẫn cho cán bộ chuyên trách, cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên khối trường THCS của 5 tỉnh Tây Nguyên cách thức tổ chức triển khai, tích hợp kiến thức phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu vào chương trình các môn học, hoạt động giáo dục cho học sinh THCS.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai cho biết, Ban Tổ chức sẽ cùng trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm mới, sáng tạo để lan tỏa hoạt động cộng đồng, qua đó tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em học sinh, tạo được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp chính quyền, nhà trường vào công tác phòng ngừa, ứng phó và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.