Xây dựng vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn tại Tây Nguyên. 17/44 mẫu tôm dương tính với virus gây bệnh đốm trắng. Đồng Nai cung cấp cho thị trường hơn 41.000 tấn bưởi. 99% tàu cá Quảng Ngãi đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
XÂY DỰNG VÙNG NGUYÊN LIỆU CÀ PHÊ ĐẠT CHUẨN TẠI TÂY NGUYÊN
Tuấn Anh sx
Ngày 22/8, tại Gia Lai, Bộ NN-PTNT tổ chức Lễ khởi động triển khai thi công xây lắp Hợp phần 5 “Đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ HTX phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao tại vùng Tây Nguyên” thuộc dự án Đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ HTX phát triển vùng nguyên liệu. Tổng mức đầu tư của Hợp phần 5 khoảng 80 tỷ đồng.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, với các tỉnh Tây Nguyên, Bộ NN-PTNT thực hiện đề án xây dựng vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn với diện tích 19.700ha gồm 4 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum và Đắk Nông. Trong vùng dự án này có khoảng 64 HTX sẽ được hưởng thụ với 5.230 hộ dân sản xuất cà phê. Thứ trưởng nhấn mạnh, kết cấu hạ tầng chỉ là 1 phần, điều quan trong nhất là cần tập trung tổ chức lại sản xuất ở các vùng miền để nâng cao chất lượng, giá trị và thương hiệu cho cà phê Việt Nam.
17/44 MẪU TÔM DƯƠNG TÍNH VỚI VIRUS GÂY BỆNH ĐỐM TRẮNG
Thanh Nga - Sản xuất
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh vừa phối hợp với các địa phương ven biển lấy mẫu xét nghiệm nguồn nước, mẫu tôm nhằm phát hiện, cảnh báo sớm các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tại các vùng nuôi tôm tập trung.
Cơ quan chức năng đã lấy 44 mẫu tôm và 42 mẫu nước của 21 vùng nuôi tập trung tại 7 huyện, thành phố, thị xã ven biển. Qua chạy mẫu xét nghiệm đã có 17/44 mẫu tôm dương tính với vi rút gây bệnh đốm trắng, tập trung ở vùng nuôi xã Nam Phúc Thăng, Yên Hoà, huyện Cẩm Xuyên; xã Kỳ Thọ, Kỳ Hải, Kỳ Thư huyện Kỳ Anh; xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân. Có 3/44 mẫu tôm ở vùng nuôi xã Nam Phúc Thăng, huyện Cẩm Xuyên; xã Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh; xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà dương tính với vi khuẩn hoại tử gan tụy cấp tính;15/42 mẫu nước phát hiện vi khuẩn Vibrio tổng số vượt quá giới hạn cho phép.
ĐỒNG NAI: CUNG CẤP CHO THỊ TRƯỜNG HƠN 41.000 TẤN BƯỞI
Minh Sáng – Trần Phi - Sản xuất
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, trong gần 8 tháng đầu năm 2023, các nhà vườn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã cung cấp cho thị trường 41,4 ngàn tấn trái bưởi, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm trước. Hiện bưởi là cây trồng chủ lực của tỉnh Đồng Nai và giống bưởi được trồng nhiều là bưởi da xanh cho năng suất, chất lượng cao có thể đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu.
Đồng Nai có hơn 76,5 ngàn ha cây ăn trái, hiện đang hình thành các vùng chuyên canh lớn như: chuối, sầu riêng, chôm chôm, thanh long, mít, bưởi, cam, quýt…Tuy nhiên, trái cây sản xuất tại Đồng Nai hiện chủ yếu vẫn tiêu thụ ở thị trường nội địa và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
99% TÀU CÁ QUẢNG NGÃI ĐÃ LẮP ĐẶT THIẾT BỊ GIÁM SÁT HÀNH TRÌNH
Lê Khánh - Sản xuất
Tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 4.540 tàu cá, trong đó tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên hoạt động vùng khơi khoảng 3.200 chiếc. Đến nay, số tàu cá có chiều dài trên 15m của tỉnh Quảng Ngãi đang hoạt động đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 99,1%. Hiện còn 27 tàu cá hoạt động trong tỉnh chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, trong đó phần lớn tàu có công suất nhỏ, làm nghề khai thác cá nổi, chủ yếu hoạt động gần bờ, đi về ở các bãi ngang ven biển, chưa được quản lý chặt chẽ.
Các chủ tàu cũng đã ký cam kết với cơ quan chức năng địa phương sẽ lắp đặt thiết bị giám sát hành tình trong thời gian tới. Hàng tháng, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi sẽ thống kê danh sách tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình gửi các cơ quan, địa phương trong và ngoài tỉnh theo dõi, giám sát và xử lý nghiêm khi các tàu này sai phạm khi hoạt động khai thác thủy sản trên biển.