Ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác giun đất trái phép. Nâng cao nhận thức, kỹ năng về phòng, chống thiên tai. Trồng ổi lê thu nhập gần 50 tỷ đồng/năm. Càng cua đồng giá 300.000 đồng/kg, cung không đủ cầu.
NGĂN CHẶN, XỬ LÝ TÌNH TRẠNG KHAI THÁC GIUN ĐẤT TRÁI PHÉP
Sau khi Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng loạt bài 'Hòa Bình rập rình kích giun' và có những phân tích của Luật sư Dương Lê Ước An về cơ sở pháp lý để xử phạt những trường hợp kích điện giun đất tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Sở tài nguyên và môi trường tỉnh Hoà Bình đã có văn bản về việc ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác giun đất trái phép trên địa bàn tỉnh. Văn bản nêu rõ, hành động “tận diệt” giun đất và các sinh vật có ích khác trong đất bằng hình thức kích điện như con dao chặt đứt chu trình cải tạo đất trong tự nhiên, làm suy giảm chất lượng đất canh tác nông nghiệp, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng phát triển của cây trồng.
Sở TN-MT tỉnh Hoà Bình đề nghị UBND các huyện, thành phố và các đơn vị chức năng tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là những người trực tiếp có hoạt động kích giun đất, các cơ sở, hộ gia đình sơ chế, thu mua, buôn bán giun đất. Khuyến khích người dân tích cực phát giác, thông báo cho lực lượng chức năng khi phát hiện hoạt động kích điện, sơ chế giun trái phép để có biện pháp xử lý vi phạm. Tổ chức kiểm tra đối với các cơ sở thu gom, sơ chế, mua bán giun đất, kịp thời phát hiện những cơ sở hoạt động chui, không có đầy đủ hồ sơ pháp lý, xử lý nghiêm theo quy định. Đồng thời, kiểm tra, rà soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi bắt giun bằng kích điện gây suy giảm chất lượng đất.
NÂNG CAO NHẬN THỨC, KỸ NĂNG VỀ PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI
Minh Quý - Sản xuất
Sáng 22/8, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình phối hợp công tác về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai trong ngành giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2023.
Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Phó cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, sau 5 năm triển khai, nhiều địa phương đã chủ động, sáng tạo triển khai những hoạt động cụ thể nâng cao nhận thức, kỹ năng của các em học sinh, thầy cô giáo và các bậc phụ huynh. Mặc dù còn những tồn tại, khó khăn trong phối hợp và triển khai nhưng kết quả cho thấy kiến thức và kĩ năng về phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu đã được lan tỏa, tiếp cận đến hàng triệu trẻ em, học sinh, giáo viên và người dân, góp phần vào thực hiện mục tiêu chung của công tác phòng chống thiên tai quốc gia.
Hội nghị sẽ là cơ sở quan trọng để hoàn thiện các nội dung báo cáo lãnh đạo 2 Bộ quyết định ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2024-2029.
Trước đó, chiều 21/8, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cùng lãnh đạo một số đơn vị và Công ty Công ty Acecook tại Việt Nam đã đến thăm hỏi, động viên và tặng quà 2 gia đình giáo viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tinh Đắk Lắk.
TRỒNG ỔI LÊ THU NHẬP GẦN 50 TỶ ĐỒNG/NĂM
Quốc Toản - Sản xuất
Xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa có hơn 500 hộ trồng ổi lê với tổng diện tích gần 190 ha. Tổng sản lượng ổi thu hoạch năm 2022 đạt khoảng 6.000 tấn với giá bán bình quân 8.000đ/kg. Theo đó, tổng thu nhập từ việc trồng ổi trên địa bàn xã Hà Long đạt khoảng 48 tỷ đồng. Đến nay, sản phẩm ổi lê đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, mang lại thu nhập ổn định cho người dân, giúp nhiều hộ gia đình vươn lên làm giàu..
Theo lãnh đạo UBND xã Hà Long, thời gian tới địa phương sẽ rà soát diện tích trồng lúa kém hiệu quả để chuyển sang trồng ổi nhằm tăng thu nhập cho bà con nông dân.
CÀNG CUA ĐỒNG GIÁ 300.000 ĐỒNG/KG, CUNG KHÔNG ĐỦ CẦU
Văn Vũ - Sản xuất
Vào đầu mùa nước nổi, tại các vựa mua bán cua đồng ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đã bắt đầu được người dân săn lùng càng cua đồng đem bán đi các tỉnh ĐBSCL và TP.HCM. Do nhu cầu nhiều nhưng lượng càng cua đồng ít nên có giá rất cao. Hiện, giá càng cua đồng loại 1 giá 250.00-300.000 đồng/kg, giá cành cua đồng loại 2 giá 150.000-200.000 đồng/kg, càng cua đồng loại 3 giá 100.000-150.00 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Kỳ Phùng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Hồng Ngự, cua đồng chủ yếu được người dân đánh bắt ngoài tự nhiên, hiện tại mới vào đầu mùa nước nổi nên lượng cua đánh bắt ngoài tự nhiên chưa nhiều. Bên cạnh đó, việc người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều đã làm lượng cua đồng ngày càng khan hiếm. Hiện tại, mỗi ngày các vựa thu mua cua đồng tại huyện chỉ thu mua và bán được vài chục ký càng cua đồng nên giá rất cao và cung cấp không đủ.Nâng