Hưng Yên: Khoảng 1.700ha nhãn sản xuất theo quy trình VietGAP. Hơn 400ha chanh Long An có 'hộ chiếu' đi châu Âu. Trại ruồi lính đen thu tiền tỷ mỗi năm. Lươn thịt bán lẻ có giá 160.000 đồng/kg.
Hưng Yên: Khoảng 1.7000 ha nhãn sản xuất theo quy trình VietGap
Khai thác
Những năm gần đây, nhiều nhà vườn trồng nhãn tại Hưng Yên đã chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ. Điều này này đã tạo ra sản phẩm nhãn sạch, an toàn đáp ứng các quy chuẩn trong tiêu dùng và xuất khẩu. Toàn tỉnh Hưng Yên hiện có khoảng 5.000 ha nhãn. Trong đó, có khoảng 1.700 ha trồng theo quy trình VietGAP, chiếm khoảng 34% về diện tích. Riêng tại thành phố Hưng Yên, có gần 10 ha nhãn đã nâng cấp từ VietGAP sang canh tác theo hướng hữu cơ. Bên cạnh đó là hơn 10 điểm đã được cấp mã số vùng trồng OTAS.
Để nâng cao chất lượng nông sản nói chung, nhãn quả tươi nói riêng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách; xây dựng các đề án, mô hình phát triển nông nghiệp sạch theo hướng VietGAP, hữu cơ.
Hơn 400ha chanh Long An có “hộ chiếu” đi Châu Âu
Văn Vũ - Sx
Long An là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng chanh lớn nhất ĐBSCL. Những năm qua, để đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng khả năng cạnh tranh, phục vụ xuất khẩu, địa phương này đã phát triển vùng sản xuất chanh ứng dụng công nghệ cao, hướng tới tăng số lượng xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Theo sở NN-PTNT tỉnh Long An, toàn tỉnh có hơn 11.000ha, trong đó có 435ha chanh đạt chứng nhận Globalgap. Cũng từ đây trái chanh Long An đã vươn tới chinh phục thị trường khó tính và đầy tiềm năng là các nước EU. Hiện, trái chanh đạt chuẩn Globalgap bán ra thị trường cao hơn từ 3.000-5.000 đồng/kg, lợi nhuận tăng thêm từ 10-20%. Ngoài ra, trồng chanh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo tiêu chuẩn Globalgap còn kéo dài tuổi thọ cây chanh lên khoảng 10 năm. Đây được xem là tiền đề để người dân chuyển đổi sản xuất đáp ứng cho thị trường cao cấp và nâng cao giá trị của trái chanh.
Trại ruồi lính đen thu tiền tỷ mỗi năm
Quốc Toản - Sx
Trại ruồi lính đen của ông Lê Minh Tới ở xã Thiệu Duy, huyện Thiệu Hóa tọa lạc trên diện tích hơn 4ha. Đây mà mô hình nuôi ruồi lính đen lấy ấu trùng làm thức ăn cho vật nuôi đầu tiên tại tỉnh Thanh Hóa,.
Ấu trùng ruồi lính đen được nuôi với thức ăn là các loại sản phẩm phụ từ nông nghiệp đã qua sử dụng. Các loại thức ăn đảm bảo an toàn vệ sinh mà vẫn tiết kiệm, đáp ứng tiêu chí kinh tế tuần hoàn. Ấu trùng ruồi lính đen được sử dụng kết hợp với cám công nghiệp để làm thức ăn cho vịt, trạch, cá trê, cua trong trang trại. Phần mùn hữu cơ được ông tận dụng làm thức ăn cho ốc.
Ông Tới cho biết, nuôi ruồi lính đen lấy ấu trùng làm thức ăn cho vật nuôi giúp tiết kiệm khoảng 20% chi phí thức ăn. Hiện, mô hình trang trại tuần hoàn bắt đầu cho thu nhập khoảng 3 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, mô hình kinh doanh này không gây ảnh hưởng tới môi trường và xử lý được các nguồn rác thải hữu cơ, an toàn với vật nuôi.
Lươn thịt bán lẻ có giá tới 160.000 đồng/kg
Lê Hoàng Vũ - Sx
Giá lươn thịt tại nhiều địa phương ở ĐBSCL đã tăng từ 20.000-25.000 đồng/kg so với thời điểm cách đây hơn 1 tháng. Hiện, lươn thịt đang được nông dân nhiều nơi bán xô cho thương lái và các vựa thu mua ở mức 95.000-100.000 đồng/kg, lươn loại 1 có giá từ 110.000 -120.000 đồng/kg. Còn lươn bán lẻ tại nhiều chợ tại ĐBSCL ở mức từ 140.000-160.000 đồng/kg. Với giá lươn thịt ở mức tương đối ổn định như hiện nay, người nuôi lươn có thể đạt mức lợi nhuận từ 25-30% chỉ sau 8-10 tháng nuôi.