Không tự phát mở rộng diện tích nuôi cá tra. Cảnh báo cao điểm xâm nhập mặn ở ĐBSCL. 183.000 USD phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Đồng Tháp. Giá cao su được dự báo tiếp tục tăng.
KHÔNG MỞ RỘNG TỰ PHÁT DIỆN TÍCH NUÔI CÁ TRA
Theo Tổng cục Thủy sản - Bộ NN-PTNT, hiện giá cá tra thương phẩm đang được các doanh nghiệp thu mua ở mức 29.500 - 30.000 đồng/kg, tăng 4.000 - 5.000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2021. Giá cá tra nguyên liệu tăng là tiền đề quan trọng để phát triển sản xuất,tiêu thụ trong năm 2022 nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sự phát triển ổn định của ngành hàng nếu các hộ dân lại ồ ạt nuôi cá tra trở lại . Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang nhận định, giá cá tra nguyên liệu tăng kéo theo giá cá giống nuôi cá tra cũng tăng nóng. Bộ NN-PTNT cùng các ngành cần có định hướng để cung - cầu phù hợp, không để tái diễn tình trạng như năm 2018 khi giá nuôi cá tra tăng quá cao dẫn đến phát triển nóng rồi sau đó rớt thê thảm suốt 3 năm qua.
CẢNH BÁO CAO ĐIỂM XÂM NHẬP MẶN Ở ĐBSCL
Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, tuần này xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có xu thế tăng theo kỳ triều cường đầu tháng 2 âm lịch. Ranh mặn 4 gram/lít, lớn nhất tuần có thể từ 35-50 km tại trên các cửa sông Cửu Long, từ 55-65 km trên sông Vàm Cỏ và từ 35-45 km trên sông Cái Lớn. Hiện xâm nhập mặn bắt đầu ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi trong phạm vi 35-45 km từ cửa biển vào trong các ngày triều cường. Tuy nhiên, nguồn nước hiện vẫn đáp ứng yêu cầu cấp nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
183.000 USD PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ TẠI ĐỒNG THÁP
Ngày 28/2, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM đã ký kết tài trợ hơn 310.000 USD cho các hoạt động phi lợi nhuận để hỗ trợ phát triển nông nghiệp và giáo dục ở một số tỉnh của Việt Nam. Trong đó, dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh Đồng Tháp được viện trợ với số tiền lên tới 183.796 USD. Theo đó, phía Nhật Bản đã và sẽ hỗ trợ các công tác tập huấn về nông nghiệp hữu cơ, xây dựng vườn rau hữu cơ trong trường học, giao lưu trao đổi kinh nghiệm với chuyên gia Nhật Bản. Phía Nhật Bản mong muốn hoạt động này có thể tạo ra mô hình tăng thêm thu nhập cho các hộ nông dân đang gặp khó khăn, từ đó góp phần phát triển kinh tế địa phương thông qua việc chế biến các nông sản hữu cơ.
GIÁ CAO SU ĐƯỢC DỰ BÁO TIẾP TỤC TĂNG
Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên ước tính, mức tiêu thụ cao su toàn cầu trong năm nay tăng 2 5% so với 2021. Ngoài ra, sự thiếu hụt nguồn cung do thời tiết xấu cũng sẽ đẩy giá mặt hàng này tiếp tục tăng trong thời gian tới. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 10 ngày giữa tháng 2/2022, giá cao su trên các sàn giao dịch lớn tại Nhật Bản và Thái Lan đồng loạt tăng mạnh. Tháng 1/2022, Việt Nam xuất khẩu 192,7 nghìn tấn cao su, trị giá 331 triệu USD, tăng 1,7% về lượng và tăng 8,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu bình quân cũng đạt mức 1.718 USD/tấn, tăng 6,8% .