Kiên Giang: Cua chết bất thường chưa rõ nguyên nhân. Gần 350ha ngao cần thu hoạch tỉa. Nuôi tôm sú 2 giai đoạn gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ. Bảo tồn các vườn chè cổ thụ để phát triển du lịch nông thôn.
Kiên Giang: Cuachết bất thường chưarõ nguyên nhân
Văn Vũ – Sx
Những ngày qua tại ấp Mương Đào C, xã Vân Khánh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang đang xảy ra tình trạng cua nuôi bị chết bất thường. Cụ thể, một số hộ nuôi cua tại địa phương mua ốc đinh không rõ xuất xứ để bổ sung làm thức ăn cho cua. Đến những ngày sau thì phát hiện cua có biểu hiện bất thường, bơi lờ đờ trên mặt nước và chết rải rác. Tiếp đó, cua chết đồng loạt hơn 1.000 con.
Theo ông Nguyễn Đình Xuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang, sau khi nắm được thông tin, ngành chức năng đã đến kiểm tra tại ao nuôi của hộ dân, lấy thêm mẫu nước, bùn, cua, ốc… để xét nghiệm. Hiện, chưa có căn cứ nào để khẳng định cua chết do ăn ốc đinh. Tuy nhiên, thời gian tới, khuyến cáo người dân không mua ốc đinh không rõ nguồn gốc về cho cua ăn đến khi có kết quả xét nghiệm.
Gần 350 ha ngao cần thu hoạch tỉa
Thanh Nga - Sx
Hiện, Hà Tĩnh đang bước vào mùa mưa, môi trường nước, nhiệt độ thay đổi liên tục, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của các loài nhuyễn thể như ngao, hàu, ốc hương.
Để hạn chế thiệt hại trong quá trình nuôi, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh đề nghị người nuôi khẩn trương thu hoạch các loại nhuyễn thể đạt kích cỡ thương phẩm. Riêng vùng nuôi ngao, hiện có khoảng 350 ha đạt cỡ thu hoạch 40 – 90 con/kg cần thu tỉa để giảm mật độ nuôi. Số lượng ngao nhỏ, kích cỡ từ 100 – 200 con/kg trở lên nên thả nuôi lại để thu hoạch vào đầu tháng 9 nhằm tăng hiệu quả kinh tế.
Theo thống kê, diện tích nuôi nhuyễn thể năm 2024 toàn tỉnh Hà Tĩnh đạt hơn 420 ha, chủ yếu là các đối tượng ngao, hàu và ốc hương. Tập trung tại các huyện Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên và Thị xã Kỳ Anh.
Nuôi tôm sú 2 giai đoạn gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ
Tâm Phùng – Tâm Đức – Sx
Hiện nay hầu hết các ao nuôi tôm đang bị ô nhiễm do nuôi lâu năm nên thường xảy ra dịch bệnh. Do đó, việc áp dụng hình thức nuôi mới là rất cần thiết.
Tại Quảng Bình, mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn được thực hiện tại xã Võ Ninh và xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, với tổng quy mô 1ha tại 2 hộ. Mô hình thực hiện từ tháng 4/2024 . Đến nay, tôm phát triển tốt, tốc độ tăng trưởng nhanh hơn so với phương pháp nuôi truyền thống, tỷ lệ sống ước đạt trên 75%, năng suất dự kiến hơn 4 tấn/ha .
Các cơ quan chuyên môn đánh giá, mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn sẽ giúp hộ nuôi quản lý tốt môi trường, sức khoẻ, làm tăng tỷ lệ sống và giảm thiểu rủi ro trong quá trình nuôi. Bên cạnh đó, hiệu quả kinh tế cao hơn so với nuôi tôm sú 1 giai đoạn khoảng 15 %. Sản phẩm của mô hình được ký kết với các đơn vị tiêu thụ sản phẩm, giá cả ổn định giúp cho người nuôi trồng thủy sản yên tâm sản xuất.
Bảo tồn các vườn chè cổ thụ để phát triển du lịch nông thôn
Võ Dũng – Sx
Xứ Cùa gồm các xã Cam Chính và Cam Nghĩa của huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị lâu nay nổi tiếng với những vườn chè cổ thụ có tuổi đời trên dưới 100 năm. Chè cổ thụ ở đây cao từ 6 đến 7 m, đường kính gốc nhiều cây lên đến 0,3-0,4m; thân đầy rêu phong cổ kính. Dù có tuổi đời lớn nhưng chè Cùa vẫn cho ra những chồi non, tạo thành thứ nước uống đặc biệt của vùng đất này.
Những năm gần đây, khi phong trào chơi cây cảnh lên ngôi, nhiều vườn chè cổ thụ đã được thương lái đến tận vườn thu mua. Có những cây, chủ vườn bán với giá hàng chục triệu đồng. Những vườn chè cứ thế mai một dần trong sự nuối tiếc của nhiều người.
Trước thực tế đó, lãnh đạo các xã Vùng Cùa đang có kế hoạch bảo tồn những vườn chè cổ thụ để tạo ra không gian xanh đáng sống. Vườn chè cổ thụ cùng với hệ thống giếng cổ, thành tân Sở và nhiều địa danh lịch sử ở vùng đất này sẽ giúp địa phương hình thành các điểm đến trong du lịch nông thôn.