Thâm canh lúa tái sinh cho năng suất cao gấp đôi. Lò giết mổ công nghiệp tại TP.HCM chỉ đạt 50% công suất. Phát triển các giải pháp bảo vệ thực vật thân thiện môi trường. Diễn tập ứng phó bão lụt và tìm kiếm cứu nạn.
Thâm canh lúa tái sinh cho năng suất cao gấp đôi
Tâm Phùng – Tâm Đức sx
Vụ hè thu năm nay, Phòng NN-PTNT huyện lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) triển khai mô hình thâm canh lúa tái sinh trên diện tích 14ha tại cánh đồng sâu xã Hoa Thủy. Sau khi thu hoạch lúa đông xuân, các địa phương trong huyện gieo cấy vụ hè thu được 1.400 ha, diện tích lúa tái sinh trên 8.100 ha. Những năm gần đây, năng suất lúa tái sinh chỉ đạt 16-18 tạ/ha, làm ảnh hưởng đến tổng sản lượng lương thực của địa phương. Mô hình thâm canh được xây dựng các bước từ khâu thu hoạch, xử lý gốc rạ, chế độ tưới, bón phân, bảo vệ lúa trước địch hại như ốc bươu vàng, chuột… Qua đánh giá trên đồng, diện tích lúa tái sinh thâm canh đạt khoảng 32 - 36 tạ/ha. Do chi phí sản xuất thấp nên nông dân có lãi khoảng 28 triệu đồng/ha. Từ mô hình này, huyện Lệ Thủy sẽ đánh giá, và xây dựng quy trình kỹ thuật thâm canh lúa tái sinh nhằm mang lại hiệu quả cao hơn, tăng thu nhập cho người dân.
(Tin 2) Lò giết mổ công nghiệp tại TP.HCM chỉ đạt 50% công suất
(Lê Bình) Lê Bình Sx
Toàn TP.HCM hiện có 7 cơ sở giết mổ, trong đó có 5 nhà máy giết mổ gia súc tập trung, công nghiệp và 1 cơ sở giết mổ gia súc tại huyện Cần Giờ, 1 trung tâm giết mổ gia cầm. Mỗi đêm, 7 cơ sở này giết mổ khoảng 6.000 con heo, 7-10 con bò và gần 80.000 con gà. Trong đó, lượng heo giết mổ chiếm khoảng 60% tổng nguồn cung thịt heo trên thị trường thành phố. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp trên địa bàn đạt khoảng 50% công suất thiết kế. Các đơn vị này vẫn đang tích cực chủ động tìm thêm đối tác để hợp tác giết mổ gia súc nhằm đảm bảo công suất giết mổ đạt từ 80-100% theo định hướng.
(Tin 3) Phát triển các giải pháp bảo vệ thực vật thân thiện môi trường
Kim Anh sx
Từ ngày 2 – 3/8, tại Đại học Cần Thơ, Hội Khoa học Kỹ thuật Bảo vệ thực vật Việt Nam phối hợp với Trường Nông nghiệp tổ chức Hội nghị Bảo vệ thực vật Quốc gia 2024 với chủ đề “Các giải pháp bảo vệ thực vật tiên tiến cho nông nghiệp bền vững”. GS.TS Nguyễn Văn Tuất, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Bảo vệ thực vật Việt Nam đánh giá, trong bối cảnh sinh vật gây hại diễn biến phức tạp, việc phụ thuộc quá nhiều vào các sản phẩm hóa học trong sản xuất nông nghiệp dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho môi trường, suy giảm đa dạng sinh học và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Để chia sẻ, phổ biến những thành tựu nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, các chuyên gia, nhà khoa học và ngành bảo vệ thực vật các địa phương trong cả nước cùng tập trung làm rõ các vấn đề về: nghiên cứu xác định tác nhân gây hại; phát triển các giải pháp bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường; giống cây trồng kháng sâu bệnh, kháng thuốc BVTV và những kỹ thuật tiên tiến trong quản lý sinh vật hại.
(Tin 4) Diễn tập ứng phó bão lụt và tìm kiếm cứu nạn
Thanh Tiến sx
Huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) vừa tổ chức Diễn tập phòng thủ dân sự ứng phó bão, lụt và tìm kiếm cứu nạn tại tại xã Minh Quân. Cuộc diễn tập thực hiện các nội dung gồm: tổ chức chuẩn bị ứng phó bão lụt; thực hành ứng phó bão lụt và tìm kiếm cứu nạn; khắc phục hậu quả sau mưa bão. Phần diễn tập thực binh với tình huống, trên địa bàn xảy ra mưa lớn, giông kèm theo gió lốc, mưa đá, ngập lụt. Một số khu vực xảy ra sạt lở đất đá. Các lực lượng tại chỗ hiệp đồng thực hiện sơ tán, di dời khẩn cấp người dân ra khỏi vùng nguy hiểm có nguy cơ ngập lụt đến khu vực an toàn. Tổ chức ứng cứu người bị thương và bảo vệ tài sản cho người dân. Qua cuộc diễn tập nhằm kiểm tra, đánh giá việc chỉ đạo hiệp đồng của chính quyền địa phương và rèn luyện, hướng dẫn các phương án phối hợp tổ chức ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” của các lực lượng và người dân nhằm giảm thiểu thiệt hại khi có tình huống thiên tai xảy ra.