Lãi tiền tỷ nhờ nuôi tôm công nghệ cao 3 giai đoạn. Nuôi bò theo hướng tuần hoàn giúp bảo vệ môi trường. Hỗ trợ người dân trồng dược liệu dưới tán rừng. Kim ngạch xuất khẩu chè tăng mạnh.
Lãi hàng tỷ đồng nhờ nuôi tôm công nghệ cao 3 giai đoạn
Việt Khánh – Ngọc Linh Sx
Ông Nguyễn Cường, trú tại xóm 2, xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An là người thu được nhiều thành công từ mô hình nuôi tôm công nghệ cao 3 giai đoạn. Mô hình được triển khai từ tháng 5/2022 với tổng mức đầu tư khoảng 5,5 tỷ đồng. Từ số tiền này, ông Cường đã xây dựng hệ thống nhà màng quy mô, hiện đại với 2 ha nuôi, 2 ha diện tích lắng và xả thải.
Nhận thấy điều kiện thời tiết tại Nghệ An quá khắc nghiệt, con tôm lại là đối tượng nuôi nhạy cảm nên gia đình ông Cường triển khai trọng tâm vào 4 tháng vụ đông, căn đúng thời điểm xuất bán vào dịp tết Âm lịch khi nhu cầu thị trường tăng cao và được giá.
Nhờ tuân thủ chặt chẽ các bước, đặc biệt là quá trình xử lý nguồn nước đầu vào, mỗi năm năm gia đình ông đạt tổng sản lượng khoảng 100 tấn tôm, trừ chi phí lãi ròng nhiều tỷ đồng.
Nuôi bò theo hướng tuần hoàn giúp bảo vệ môi trường
Văn Vũ sx
Mô hình nuôi bò theo hướng tuần hoàn của anh Diệp An Hòa (ngụ ấp Hòa Tân, xã Định Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) ứng dụng hệ thống làm mát, nồi nấu cháo công nghiệp tự động cho bò. Từ đó giúp xử lý vấn đề môi trường một cách triệt để, đồng thời giúp vật nuôi tăng trưởng nhanh, khỏe mạnh. Mô hình có tổng vốn đầu tư gần 580 triệu đồng, trong đó nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM 200 triệu đồng. Hiện tổng đàn bò thịt đang nuôi vỗ béo tại mô hình là 35 con, diện tích trang trại 1,5 ha, trong đó 1ha trồng cỏ, 0,5 ha chuồng trại và công trình phụ trợ.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Thoại Sơn, nhờ ứng dụng quy trình chăn nuôi tuần hoàn, nguồn phân thải ra trong quá trình chăn nuôi được xử lý bằng chế phẩm sinh học trở thành nguồn phân bón cho cỏ và bán lại cho các hộ trồng cây trong xã. Mô hình này được đánh giá là phù hợp xu hướng phát triển chăn nuôi bền vững gắn với bảo vệ môi trường.
Hỗ trợ người dân trồng dược liệu dưới tán rừng
Lê Khánh sx
Với lợi thế địa hình đồi núi, 2 năm gần đây, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã triển khai cơ chế hỗ trợ người dân trồng cây dược liệu thất diệp nhất chi hoa dưới tán rừng. Các hộ dân tham gia được hỗ trợ 100% giống, hướng dẫn kỹ thuật và đối ứng bằng công chăm sóc. Đến nay, đã có 5 xã trên địa bàn huyện triển khai trồng loại cây dược liệu này với diện tích khoảng 7 ha, hầu hết đều sinh trưởng, phát triển tốt.
Theo ông Trịnh Minh Quý, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nam Trà My, cây thất diệp nhất chi hoa rất phù hợp với điều kiện khí hậu ở địa phương, đặc biệt là ở độ cao từ 1.100 – 1300m. Do đó, ngoài cây sâm Ngọc Linh thì hiện nay, huyện đang tập trung vào phát triển loài cây dược liệu này. Kỳ vọng trong khoảng 2 năm nữa, cây dược liệu thất diệp nhất chi hoa sẽ giúp cho bà con thoát nghèo và từng bước vươn lên làm giàu.
Kim ngạch xuất khẩu chè tăng mạnh
Minh Phúc -Khai thác
Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu chè đạt 77.280 tấn, trị giá 133,4 triệu USD, tăng 31,6% về lượng và tăng 33,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.726 USD/tấn, tăng 1,5%.
Về thị trường, Pakistan tiếp tục là nước nhập khẩu chè lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm, đạt 22,3 nghìn tấn, trị giá 47 triệu USD. Giá xuất khẩu bình quân đạt 2.100 USD/tấn, tăng gần 10%.
Sau khi giảm mạnh từ đầu năm, thị trường này đang dần lấy lại đà nhập khẩu so với năm ngoái. Loại chè được xuất khẩu chủ yếu sang Pakistan là chè đen, đây cũng là loại chè xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với khoảng 80% tổng sản lượng xuất khẩu.