Lan tỏa điều tốt đẹp từ chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp. Doanh nghiệp thủy sản lo thiếu tôm nguyên liệu. Quảng Ninh đã gỡ được 5/7 cảnh báo 'thẻ vàng'. Xoài cuối vụ tăng giá, cao nhất 55.000 đồng/kg.
LAN TỎA ĐIỀU TỐT ĐẸP TỪ CHƯƠNG TRÌNH QUẢN LÝ SỨC KHỎE CÂY TRỒNG TỔNG HỢP
Sáng 15/6, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc - FAO tại Việt Nam tổ chức bế giảng khóa đào tạo giảng viên quốc gia về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp ở Hưng Yên.Khóa đào tạo diễn ra trong thời gian 115 ngày với sự tham gia của 30 học viên, đến từ 17 tỉnh, thành phố phía Bắc. Đây là 1 trong 2 khóa đào tạo giảng viên quốc gia về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp do Cục BVTV tổ chức, nằm trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp” do FAO tài trợ.Đại diện tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc đánh giá, Việt Nam đang có bước chuyển mình lớn trong ngành bảo vệ thực vật. FAO luôn sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc chuyển đổi và xây dựng các hệ thống nông sản hiệu quả, linh hoạt và bền vững hơn.Ông Nguyễn Qúy Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV mong muốn, những học viên trong khóa đào tạo khi trở về địa phương sẽ là hạt nhân nòng cốt, tích cực lan tỏa những điều tốt đẹp của chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp.
DOANH NGHIỆP THỦY SẢN LO THIẾU TÔM NGUYÊN LIỆU
Mặc dù chỉ còn khoảng nửa tháng nữa là đến thời điểm thu hoạch rộ vụ tôm nước lợ, nhưng khả năng thiếu hụt tôm nguyên liệu vẫn không có xu hướng hạ nhiệt khi các yếu tố bất lợi cho vụ nuôi vẫn ngày một lớn hơn.Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, gần đây do ảnh hưởng thời tiết bất lợi đã có khoảng 1.000ha tôm bị thiệt hại.Tại Sóc Trăng và một số tỉnh vùng ĐBSCL, mùa mưa đến sớm hơn mọi năm, cùng với mưa dầm thì nắng gắt xen kẽ làm độ mặn trên các sông xuống thấp, làm ảnh hưởng lớn đến việc thả giống và sự phát triển của tôm nuôi, khiến tôm chậm lớn, dễ phát sinh dịch bệnh...Theo đánh giá của các doanh nghiệp, trước mắt trong tháng 6 và cả nửa đầu tháng 7, tình hình cung ứng tôm nguyên liệu nhìn chung vẫn ổn định. Tuy nhiên, từ tháng 8 trở đi, khi các nhà máy vào giai đoạn tăng tốc phục vụ cho hợp đồng cuối năm thì khả năng thiếu hụt tôm nguyên liệu là rất lớn, nếu tiến độ thả nuôi không được cải thiện.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, sau nhiều nỗ lực, đến hết tháng 5/2022, đã có 5/7 cảnh báo của Ủy ban châu Âu cơ bản được đáp ứng, còn lại 2 cảnh báo tiếp tục được tháo gỡ.Năm cảnh báo được gỡ gồm: Kiểm soát tàu cá ra, vào cảng; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá; quản lý tàu và cấp giấy phép khai thác thủy sản; công tác an toàn thực phẩm tàu cá; xử phạt vi phạm hành chính khai thác thủy sản trái phép. Hai cảnh báo chưa thực hiện được là chứng nhận nguồn gốc thủy sản và xác nhận nguyên liệu khai thác thủy sản.Đến thời điểm này, Quảng Ninh có trên 3.850 tàu đã đăng ký vào phần mềm Cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia, là điều kiện kiểm soát vi phạm tàu cá. Thời gian qua, tỉnh không có trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
XOÀI CUỐI VỤ TĂNG GIÁ, CAO NHẤT 55.000 ĐỒNG/KG
Tại vùng ÐBSCL, giá nhiều loại xoài hiện tăng ít nhất từ 5.000-10.000 đồng/kg so với cách nay khoảng 1 tháng.Hiện xoài Ðài Loan được nông dân bán xô cho thương lái ở mức 8.000-11.000 đồng/kg, còn hàng loại 1 có giá 13.000-14.000 đồng/kg. Xoài Cát Hòa Lộc được bán cho các vựa thu mua từ 40.000-45.000 đồng/kg, còn hàng loại 1 lên đến 50.000-55.000 đồng/kg. Trong khi đó, xoài Cát Chu được nhiều nông dân bán ra ở mức 27.000-30.000 đồng/kg. Giá xoài tăng do nguồn cung giảm khi đã hết chính vụ thu hoạch, bên cạnh đó nhu cầu tiêu thụ nội địa phục hồi và xuất khẩu có nhiều tín hiệu khởi sắc.