Trong bữa cơm ngày Tết của người dân miền Tây, ngoài những món ăn truyền thống như thịt kho tàu, canh khổ qua… bánh tét được xem là sản vật tiêu biểu không thể thiếu.
4h sáng, tuyến đường Thái Thị Nhạn ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ vẫn còn chìm trong bóng tối. Riêng gia đình chị Lê Đường Tuyết Vân chủ thương hiệu bánh tét lá cẩm Huỳnh Thị Trọng đã thức giấc, chuẩn bị củi lửa bắt đầu một ngày bận rộn gói bánh tét.
Thương hiệu này được đặt theo tên bà Huỳnh Thị Trọng, bà ngoại của chị Vân và cũng là người đầu tiên nghĩ ra cách dùng màu của lá cẩm được tạo nên hương sắc cho bánh tét truyền thống. Tiếp nối đến nay, nghề truyền thống này được bà Đường Thị Xinh - mẹ chị Vân và chị tiếp nối “giữ lửa” qua hơn 100 năm.
Chia sẻ về cơ duyên lựa chọn và phát triển thương hiệu bánh tét lá cẩm Huỳnh Thị Trọng, chị Vân bộc bạch, bà ngoại vốn làm nghề bán xôi nếp, thấy mọi người ưa chuộng bà bắt đầu suy nghĩ đổi qua làm bánh tét, sử dụng màu tím của lá cẩm để đòn bánh ngon và đẹp mắt hơn.
Bản thân chị Vân, được bà và mẹ hướng dẫn cách gói và truyền nghề từ khi lên 10 tuổi.
“Hồi nhỏ có biết gì đâu, đến ngày tết tôi thấy ai cũng thức sớm, người nào cũng rất gấp gáp, mỗi người mỗi công chuyện để chuẩn bị gói bánh tét. Người nào cũng gói khéo léo hết, nhưng khi tôi tập làm thử thì thấy quá khó”, chị Vân bộc bạch.
Đất sét là vật liệu đầu tiên chị Vân sử dụng để tập cách gói bánh tét. Tay chân lấm lem bùn đất do vò đất sét, sản phẩm làm ra “ghê lắm” bị mọi người chê và trêu chọc.
Qua nhiều lần mày mò, khi đã trở nên thuần thục hơn, chị bắt đầu tập gói chính thức, sử dụng nguyên liệu nếp để làm bánh. Đến khi thạo nghề, chỉ cần 4 phút chị Vân có thể gói hoàn thành một đòn bánh tét.
Trung bình mỗi ngày lò bánh Tét lá cẩm Huỳnh Thị Trọng gói khoảng 100 đòn bánh để cung cấp cho khách hàng. Bắt đầu từ 23 tháng Chạp đến giao thừa, số lượng đặt bánh tét tăng đột biến lên tới 700 - 800 đòn bánh tét.
Vì thế mọi người ai cũng bận rộn, từ công đoạn lau lá chuối, cắt thịt, xào nếp, nấu lá cẩm… mỗi người mỗi việc, được làm rất công phu.
Lá chuối phải có đủ độ tươi, dai, không quá non cũng không quá già và được phơi sơ qua nắng. Nếp phải được lựa chọn kỹ là loại nếp ngon, không lẫn tẻ, vo sơ rồi ngâm trong 6 tiếng đồng hồ, vớt lên để ráo. Còn lá cẩm tươi được nấu để lấy nước hòa trộn cùng với nước cốt dừa, nêm thêm gia vị.
Các thợ gói bánh phải làm từ tờ mờ sáng đến khi bánh được đưa vào nồi để nấu. Lúc này mọi người mới được nghỉ tay, nhưng cũng không quên canh chừng lửa, tăng dặm thêm nước, tầm 5 - 6 tiếng đồng hồ để cho bánh chín đều.
Theo những cô chú gói bánh tét lâu năm trong gia đình chị Vân, để tạo ra một đòn bánh tét ngon và đẹp dâng lên cúng ông bà dịp Tết, khâu canh lửa khi nấu rất quan trọng. Nước phải được châm liên tục đảm bảo bánh ngập trong nước, có như vậy khi ăn sẽ không có tình trạng “nếp bị sống”. Đặc biệt, khi nấu bánh phải sử dụng củi, để giữ được mùi thơm của nếp và vị bùi béo của nhân bánh.
Để phù hợp với khẩu vị của khách hàng ở nhiều vùng miền trên cả nước, chị Vân điều chỉnh nhẹ hương vị trên công thức gia truyền của bà ngoại. Đặc biệt là biến tấu ra nhiều vị bánh khác nhau như: bánh nhân thập cẩm (trứng muối, tôm khô…), nhân đậu ngọt, nhân chuối và nhân đậu mỡ.
Đằng sau những bộn bề, không gian quanh gian bếp lúc nào cũng rộn tiếng cười nói, bàn chuyện ngày cuối năm. Mùi khói bếp, than củi cháy rực, bên dưới là nồi nước đang chờ giờ luộc bánh gợi lên một chút nhớ nhung, quyến luyến, mệt nhọc dường như cũng tan biến, thay vào đó là sự cần mẫn, chăm chút cho từng đòn bánh tét - món ăn được xem là linh hồn của ngày Tết ở miền Tây.
Nhìn cách những người thợ gói bánh trong gia đình chị Vân tỉ mỉ, khéo léo, chăm chút cho từng đòn bánh tét, mới thấy được cả cái tình, sự tâm huyết giữ gìn nghề truyền thống. Bởi đây vừa là một nghề để phát triển kinh tế, cũng là cách giáo dục thực tế để con cháu về sau có những kỉ niệm đẹp về truyền thống của ông bà.