Thành phố đầu tiên nói không với động vật hoang dã. Làng nghề đóng tàu ở Hà Tĩnh đứng trước nguy cơ xóa sổ. Nông dân Quảng Bình thu hoạch sớm vụ lúa hè thu. Ngư dân vào mùa đánh bắt cá cơm trên sông Tiền.
Thành phố đầu tiên nói không với động vật hoang dã
Minh Quý sản xuất
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đắk Lắk và UBND TP Buôn Ma Thuột vừa tổ chức lễ công bố Quyết định triển khai Mô hình “Thành phố Buôn Ma Thuột nói không với các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật” giai đoạn 2024 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 để hưởng ứng Ngày voi thế giới 2024.
Mô hình được kỳ vọng góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong thành phố về luật liên quan đến việc mua bán và tiêu thụ sản phẩm động vật hoang dã.
Khảo sát trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột cho thấy, tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật vẫn diễn ra phức tạp.
13/16 phường được khảo sát có ít nhất một cơ sở tham gia vào các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật; khoảng 44% địa điểm được khảo sát, bao gồm các nhà hàng, cửa hàng thú cưng và hiệu thuốc đông y, được phát hiện có liên quan đến hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật.
Làng nghề đóng tàu ở Hà Tĩnh đứng trước nguy cơ xóa sổ
Thanh Nga sản xuất
Từng là nghề “ăn nên làm ra”, thu hút hàng trăm lao động nhưng giờ đây, nghề đóng tàu gỗ ở xã Thạch Long, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đang đứng trước nguy cơ xóa sổ.
Nguyên nhân đến từ việc ngư dân dần chuyển qua tàu vỏ thép nên các cơ sở đóng tàu gỗ không có nhiều đơn hàng mới.
Ngoài ra, mặt bằng thi công chật hẹp cũng khiến nơi đây không đủ khả năng tiếp nhận những con tàu có trọng tải lớn.
Vật liệu đóng tàu chủ yếu là gỗ táu và săng lẻ ngày càng cạn kiệt khiến giá gỗ trở nên đắt đỏ, kéo theo giá tàu cũng tăng theo.
Nhiều người dân gắn bó chục năm với nghề đóng tàu đang rục tịch lên kế hoạch chuyển đổi nghề nghiệp để duy trì thu nhập.
Nghề đóng tàu ở xã Thạch Long đã có từ những năm 60 của thế kỷ trước và phát triển mạnh nhất trong những năm 2010 - 2017. Vào thời kỳ vàng son, địa phương có hơn 20 cơ sở và hàng trăm nhân công làm nghề.
Nông dân Quảng Bình thu hoạch sớm vụ lúa hè thu
Tâm Phùng-Tâm Đức sản xuất
Những ngày này, nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Bình đã tổ chức thu hoạch sớm vụ hè thu. Trên nhiều cánh đông, thương lái đã trực tiếp thu mua lúa tươi vơí giá 6,5 triệu đồng một tấn.
Vụ hè thu năm nay, Quảng Bình gieo cấy trên 15.500 ha, tăng khoảng 1.000ha so với kế hoạch. Các giống lúa chủ lực được cơ cấu vào sản xuất như P6, Hà Phát3... Từ đầu vụ, dù thời tiết nắng nóng kéo dài, thiếu nước tưới cục bộ, nhưng nhờ nông dân tích cực thâm canh, chăm bón nên cây lúa, trên đồng phát triển tốt, hạn chế được nhiều sau bệnh hại lúa.
Các địa phương đang tích cực thực hiện các các biện pháp phòng trừ, ngăn chặm chuột phá hại lúa nên giữ ổn định năng suất cây trồng.
Nông dân Quảng bình đánh giá, đây là vụ hè thu thuận lợi, năng suất lúa từ 56-60 tạ/ha. Với giá thu mua của thương lái như hiện nay thì bà con có lãi khoảng 20 triệu đồng mỗi ha.
Ngư dân vào mùa đánh bắt cá cơm trên sông Tiền
Văn Vũ sản xuất
Những ngày này, khi nước lũ từ thượng nguồn sông Mekong đỏ về, hàng trăm ngư dân tại vùng cù lao Long Hựu, huyện Cần Đước, tỉnh Long An ra nhiều khu vực trên sông Tiền để đánh bắt cá cơm để kiếm thêm thu nhập.
Theo đó, mỗi năm khi vào tháng 7,8 âm lịch là cá cơm bắt đầu xuất hiện và được xem là đặc sản của miền Tây.
Mùa cá cơm kéo dài khoảng 2 -3 tháng và kết thúc vào cuối tháng 10 Âm lịch.
Năm nay, thời tiết thay đổi, mùa cá cơm về sớm hơn mọi năm.
Cá cơm đánh bắt về, đưuọc bán lẻ hoặc cho thương lái với giá từ 25.000 -30.000đồng/kg.
Nghề đánh bắt cá cơm trên sông tiền đã có hàng chục năm, thu nhập tuy cao nhưng đã trở thành nét văn hóa lâu đời của ngư dân cù lao Long Hựu.