| Hotline: 0983.970.780

Sớm hỗ trợ ngư dân khi thiết bị giám sát hành trình mất kết nối

Thứ Hai 12/08/2024 , 09:42 (GMT+7)

Quảng Bình Tỉnh Quảng Bình đang triển khai một số giải pháp nhằm hỗ trợ ngư dân ra khơi trong khi thiết bị giám sát hành trình gặp sự cố trong thời gian dài...

Xã Đức Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) là địa phương có đội tàu xa bờ lớn của tỉnh. Sau thời gian thiết bị giám sát hành trình (GSHT) tàu cá bị mất liên lạc đã làm cho hàng trăm tàu cá phải vất vả trong việc chứng minh mất kết nối theo quy định là lý do khách quan để không bị xử phạt. Bà Hồ Thị Hoa, Chủ tịch UBND xã Đức Trạch, cho hay: “Chính quyền địa phương đã hỗ trợ bà con lập danh sách đề nghị VNPT Quảng Bình xác minh từng trường hợp tàu cá cụ thể. Tuy nhiên, bà con ngư dân rất mất thời gian và gặp nhiều  phiền phức”.

Chi cục Thủy sản Quảng Bình tăng cường nhân lực trực Trạm bờ 24/7 giờ để hỗ trợ bà con ngư dân đang khai thác trên biển. Ảnh: T. Đức.

Chi cục Thủy sản Quảng Bình tăng cường nhân lực trực Trạm bờ 24/7 giờ để hỗ trợ bà con ngư dân đang khai thác trên biển. Ảnh: T. Đức.

Ngư dân đang gặp khó...

Theo Chi cục Thủy sản Quảng Bình,  đến nay, toàn tỉnh đã lắp đặt và đưa vào sử dụng 1.119 thiết bị GSHT/1.143 tàu cá hiện có bắt buộc phải lắp, đạt 97,9%. Trong đó, VNPT Quảng Bình lắp đặt 797 tàu, Vishipel 270 tàu, Bình Anh 28 tàu, Viettel 23 tàu, Bách Khoa 1 tàu. Còn 24 tàu cá chưa lắp thiết bị giám sát hành trình do nằm bờ không hoạt động khai thác.

Riêng đối với đơn vị cung cấp VNPT Quảng Bình đã lắp 797 thiết bị, chiếm 71% tổng số thiết bị được lắp trên tàu cá toàn tỉnh. Trong đó, thành phố Đồng Hới 160 tàu, huyện Bố Trạch 195 tàu, thị xã Ba Đồn 251 tàu, huyện Quảng Trạch 190 tàu và huyện Quảng Ninh 1 tàu.

Theo ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình, sự cố vệ tinh (VNPT VSS) xảy ra từ ngày 15/4/2024 đến nay đã làm cho hơn 700 tàu lắp thiết bị GSHT của VNPT trên toàn tỉnh bị ảnh hưởng. “Đã có trên 40 tàu mất kết nối trên 10 ngày, 303 tàu mất kết nối trên 6 giờ và hơn 370 hồ sơ đề nghị hỗ trợ chính sách bị ảnh hưởng do dữ liệu GSHT không đảm bảo theo quy định tại Nghị định 37/2024/NĐ-CP”, ông Lê Ngọc Linh nói.

Để đảm bảo hiện đúng quy định của pháp luật khi tàu ra khơi, nhiều chủ tàu đã bỏ một số tiền khá lớn để lắp đặt thêm thiết bị GSHT của các đơn vị cung cấp còn lại như Vishipel, Viettel hiện đang hoạt động tốt. Ông Nguyễn Văn Nam, một chủ tàu ở xã Bảo Ninh đã bỏ ra gần 30 triệu đồng để lắp thêm thiết bị GSHT để an toàn khi ra khơi, cho hay: “Dù khó khăn, nhưng chúng tôi không thể cứ ra khơi trong áp lực trông chờ may rủi với nhà mạng đã cung cấp dịch vụ. Vì vậy, an toàn cho mỗi chuyến ra khơi là hơn cả. Tàu tôi lắp thêm để đảm bảo thiết bị GSHT hoạt động liên tục 24/24 khi tham gia khai thác thủy sản trên biển”.

Các chủ tàu hiện chỉ đang sử dụng duy nhất thiết bị VX1.700 được lắp đặt trên tàu đã cũ để báo cáo vị trí về trạm bờ chi cục khi mất kết nối, ngoài ra không có trang bị khác để báo cáo vị trí về bờ.

Tàu cá ngư dân đang gặp khó khăn trong việc xác minh mất liên lạc là do yếu tố khách quan của bên cung cấp dịch vụ. Ảnh: T. Đức.

Tàu cá ngư dân đang gặp khó khăn trong việc xác minh mất liên lạc là do yếu tố khách quan của bên cung cấp dịch vụ. Ảnh: T. Đức.

Theo nhiều ngư dân, cho đến nay, trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ thiết bị GSHT tàu cá theo hợp đồng dân sự vẫn chưa thể hiện rõ ràng. Ngư dân Nguyễn Văn Thành (xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch), cho hay: “Đến nay, ngư dân chưa nhận được hỗ trợ, bồi thường thiệt hại khi sự cố mất kết nối do nhà cung cấp gây ra”.

Đến nay, đã hơn 3 tháng sự cố vệ tinh của VNPT vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn nên vẫn còn tình trạng tàu cá mất kết nối 6 giờ đồng hồ không báo cáo về bờ, mất kết nối quá 10 ngày không đưa tàu về bờ để khắc phục, sửa chữa.

Ông Lê Ngọc Linh nhìn nhận: “Việc thông báo và kêu gọi tàu thuyền về bờ cho chủ tàu/ thuyền trưởng tàu vi phạm ranh giới, mất kết nối trên biển quá 6 giờ và 10 ngày sau khi phát hiện gặp rất nhiều khó khăn khi chỉ liên lạc được qua máy HF, ngoài ra không có thiết bị nào khác. Trường hợp chủ tàu không mở đúng tần số HF để Trạm bờ Chi cục Thủy sản liên lạc thì  lại càng khó khăn hơn”.

Hỗ trợ ngư dân bằng cách nào?

Cũng theo Chi cục Thủy sản Quảng Bình, do việc mất kết nối thiết bị GSHT tàu cá khi hoạt động trên biển không chỉ đẩy ngư dân vào thể khó mà các cơ quan nhà nước cũng vất vả không kém. Ngư dân Nguyễn Hữu Ái (xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch), cho biết: “Mỗi chuyến biển về là chúng tôi phải làm tờ trình xin xác nhận của chính quyền địa phương và gửi vào VNPT Quảng Bình để xác nhận việc mất kết nối do khách quan thì mới được cơ quan quản lý chấp thuận”.

Lực lượng Chi cục Thủy sản đã phải tăng cường phối hợp với các đơn vị cung cấp điện thoại vệ tinh để trích xuất dữ liệu từ ngày 15/4/2024 đến nay để có căn cứ xử lý chính xác những trường hợp vi phạm và phân định những tàu mắc lỗi lý do khách quan. “Chúng tôi cũng đề nghị với Cục Thủy sản cho phép sử dụng dữ liệu định vị trích xuất trên điện thoại vệ tinh là dữ liệu đã báo cáo vị trí tàu cá về cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh nơi đăng ký tàu cá để lập hồ sơ quản lý tàu cá theo quy định”- ông Linh nói thêm.

Bà con ngư dân cũng mong muốn đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ, sớm khắc phục sự cố để yên tâm bám biển. Ảnh: T. Đức.

Bà con ngư dân cũng mong muốn đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ, sớm khắc phục sự cố để yên tâm bám biển. Ảnh: T. Đức.

Cũng theo ông Linh đề xuất, phía đơn vị cung cấp dịch vụ khẩn trương có giải pháp hỗ trợ ngư dân một trong các thiết bị hàng hải, thông tin liên lạc có thể thay thế (hệ thống liên lạc tầm xa HF, hệ thống nhắn tin đài bờ…) để báo cáo vị trí tàu cá đảm bảo tần suất 6 giờ/lần theo quy định.

Trước thực trạng hàng trăm “hồ sơ” của ngư dân có tàu cá ra khơi bị mất kết nối đang chờ “chứng thực” của đơn vị cung cấp dịch vụ VNPT Quảng Bình để được “chứng minh” lý do khách quan, Chi cục Thủy sản Quảng Bình cũng đã tăng cường nhân lực trực, vận hành, xử lý dữ liệu trên hệ thống giám sát tàu cá đảm bảo đúng quy định. Chi cục tổ chức trực hệ thống giám sát tàu cá 24/24 giờ, thông tin kịp thời đến các cơ quan chức năng các tàu cá vượt ranh giới trên biển, tàu cá mất kết nối 10 ngày trên biển mà chưa về bờ theo quy định. Tiếp nhận tin nhắn báo cáo vị trí tàu cá trên biển của ngư dân khi xãy ra sự cố mất kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá.

Mặt khác, Chi cục làm việc với Công ty CP thiết bị hàng hải - MECOM đề nâng cấp phần mềm và cung cấp thêm máy VX1.700 tại đầu cuối Chi cục Thủy sản và cho các chủ tàu khi có nhu cầu thay mới. “Qua sự việc mất sóng vệ tinh làm ảnh hưởng đến sự tuân thủ quy định về giám sát hành trình của tàu cá khi đi khai thác trên biên, Chi cục Thủy sản Quảng Bình cũng mong muốn bà con thường xuyên theo dõi hoạt động của các thiết bị báo vị trí của tàu mình, phối hợp nhịp nhàng với nhà mạng cũng như cơ quan quản lý thủy sản để thực hiện đúng quy định của pháp luật về khai thác thủy sản, sớm gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu về IUU”, ông Linh cho biết thêm.

Trong quá trình kiểm tra, nhiều tàu cá đang được các cơ quan chức năng xác minh và xử phạt do hành vi mất kết nối thiết bị VMS khi hoạt động trên biển. Từ đầu năm đến nay, Quảng Bình đã xử lý 3 trường hợp tàu cá lắp thiết bị GSHT của VNPT mất kết nối trên 10 ngày mà không quay về bờ với số tiền xử phạt hành chính 75 triệu đồng.

Xem thêm
Khai mạc Lễ hội cá tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ hai

Tối 19/11, UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức khai mạc Lễ hội cá tôm sông Đà lần thứ hai năm 2024.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.