Ông Lê Văn Hồng, hơn 70 tuổi ở xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, đã cải tiến thành công máy sạ hàng chạy xăng, cho phép điều chỉnh lượng giống gieo sạ theo ý muốn, giúp tiết kiệm chi phí và tăng năng suất lúa từ 7 lên 10 tấn/ha.
Lão nông U80 tự chế máy sạ hàng điều chỉnh lượng giống theo ý muốn
Với hơn 20 năm kinh nghiệm trồng lúa, lão nông Lê Văn Hồng ở xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh nhận thấy phương pháp sạ truyền thống bằng tay hoặc kéo ống trục vừa tốn nhiều công sức, vừa cần nhiều nhân công. Để cải thiện, ông đã sáng chế ra một máy sạ lúa chạy bằng động cơ xăng với công suất lớn, giúp tăng hiệu quả kinh tế. Máy này cho phép ông điều chỉnh lượng giống gieo sạ bằng cách thay đổi các thông số trên ống trục, đảm bảo lượng giống gieo sạ nhiều hoặc ít theo ý muốn.
Ông Lê Văn Hồng, ngụ tại xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành: Hiện nay rất khó tìm nhân công, nên tôi đã chế tạo chiếc máy sạ hàngmới này. So với máy sạ cũ, máy mới của tôi tạo lỗ rộng hơn, khoảng 14 li so với 10 li trước đây. Khi ngâm lúa thêm một ngày một đêm, lúa sẽ nảy mầm căng mọng, và sau khi sạ, chỉ cần một ngày là mạ đã bén rễ.
Để máy hoạt động hiệu quả trên địa hình bùn lầy, ông Lê Văn Hồng đã thiết kế giàn máy rộng 1,4m và lắp đặt hai bánh xe bằng niềng sắt có đường kính 1,2 m. Ông cũng nâng cấp trục quay gieo lúa từ lỗ 10 ly lên 14 lý, đồng thời thêm bánh xích để máy vừa chạy vừa xoay trục. Khoảng cách giữa các lỗ trên ống có thể điều chỉnh để tránh việc lúa giống rơi nhiều khi sạ. Trục được đặt cách mặt đất 0,5 m để lúa được rải đều. Người điều khiển có thể ngồi trên máy và linh hoạt điều chỉnh tốc độ giống như khi lái máy cày.Nhờ những cải tiến này, ông Hồng không chỉ giảm được chi phí và công lao động mà còn tăng năng suất, với sản lượng lúa trên thửa ruộng của ông tăng từ 7 tấn lên 10 tấn mỗi hecta. Trước đây, ông phải thuê gần chục nhân công để dặm lúa trên 12 hecta, nhưng giờ chỉ cần một nửa số người.
Ông Lê Văn Hồng: Hiện tại, máy của tôi hoạt động rất êm. Tôi đã sử dụng máy để sạ 2 vụ lúa và kết quả rất tốt. Hạt giống được xạ đều, có hàng lối rõ ràng, giúp tôi dễ dàng xử lý cỏ và các công việc khác.
Mặc dù máy sạ hàng của ông Hồng vẫn còn một số hạn chế nhưng với cách sạ hợp lý, lúa của ông trở nên cứng hơn, ít bị đổ ngã và giảm thiểu sâu bệnh cũng như cỏ dại. Nhờ đó, chi phí sản xuất lúa của gia đình ông đã giảm đáng kể, đồng thời thể hiện tinh thần đam mê sáng tạo của nông dân góp phần nâng cao hiệu quả canh tác.