Lễ hội cầu ngư ở làng biển 380 tuổi. Tưởng nhớ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến. Xuất khẩu gạo tăng trưởng 3 tiêu chí. Xuất khẩu sắn thu về hơn 195 triệu USD trong tháng 1/2024.
LỄ HỘI CẦU NGƯ Ở LÀNG BIỂN 380 TUỔI
Tâm Phùng - Tâm Đức – Sản xuất
Hàng năm, cứ đến dịp rằm tháng Giêng, tại xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình lại diễn ra Lễ hội cầu ngư và phát động ra quân đánh bắt hải sản. Tại đây, ngoài những nghi thức lễ bái với các bậc tiền nhân thì còn diễn ra các hoạt động văn hóa, ca hát, múa bông chèo cạn tượng trưng cho hoạt động sản xuất của ngư dân.
Cảnh Dương là làng biển nổi tiếng của tỉnh Quảng Bình đã tồn tại 380 năm. Hiện, làng có đội tàu hơn 500 chiếc, trong đó hơn 200 tàu đánh bắt xa bờ. Nhờ vươn khơi bám biển sản xuất hiệu quả nên đời sống ngư dân ngày càng được được nâng cao. Năm 2024, Cảnh Dương đưa ra mục tiêu đánh bắt hải sản đạt 40.000 tấn, doanh thu khoảng 400 tỷ đồng.
Sau lễ hội cầu ngư và phát động ra quân, hàng trăm tàu cá của ngư dân Cảnh Dương sẽ vươn khơi bám biển, bám ngư trường và hy vọng có một năm đánh bắt thắng lợi.
TƯỞNG NHỚ TAM NGUYÊN YÊN ĐỔ NGUYỄN KHUYẾN
Hùng Khang - Sản xuất
Ngày 24/2, UBND huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam tổ chức Chương trình “Ngày thơ trên quê hương Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến”. Bằng ngòi bút tài hoa của mình, những áng thơ của Nguyễn Khuyến đã biến những sự vật vốn thân thuộc với đời sống làng quê như “con cá dưới ao” “trâu già gốc trụi”, “tầng mây lơ lửng”, “ngõ trúc quanh co”…. Trở nên đầy thi vị.
Với tinh thần nỗ lực, ham học năm 17 tuổi Nguyễn Khuyến đã cùng cha lều chõng đi thi. Ông là người đầu tiên của quê hương thi đỗ tam khoa và làm nhiều chức quan quan trọng tại triều Nguyễn.
Ngày hội thơ và lễ dâng hương trên quê hương Tam nguyên yên đổ Nguyễn Khuyến còn góp phần khơi dậy tinh thần hiếu học, thể hiện lòng trí ân những đóng góp của ông cho nền văn học nước nhà.
XUẤT KHẨU GẠO TĂNG TRƯỞNG 3 TIÊU CHÍ
Khai thác
Tính đến giữa tháng 2/2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã tăng trưởng mạnh ở cả 3 tiêu chí là lượng, kim ngạch và trị giá bình quân. Theo số liệu Tổng cục Hải quan mới công bố, nửa đầu tháng 2, xuất khẩu gạo đạt gần 151.000 tấn, với giá trị hơn 104 triệu USD. Kết quả này nâng tổng lượng gạo xuất khẩu từ đầu năm đến 15/2 lên trên 663.200 tấn, với giá trị khoảng 466 triệu USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 53% về giá trị so với cùng kỳ.
Kim ngạch tăng cao hơn lượng nên trị giá xuất khẩu gạo bình quân đầu năm 2024 cũng tăng cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, trị giá bình quân đạt hơn 703 USD/tấn, tăng 33,65% (cùng kỳ 2023 chỉ đạt khoảng 526 USD/tấn).
XUẤT KHẨU SẮN THU VỀ HƠN 195 TRIỆU USD TRONG THÁNG 1/2024
Khai thác
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2024, xuất khẩu sắn đạt hơn 76.100 tấn với trị giá hơn 19,9 triệu USD, tăng mạnh 30,9% về lượng và tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, sắn là mặt hàng có mức tăng trưởng mạnh nhất trong tháng đầu tiên của năm 2024.
Giá xuất khẩu bình quân đạt 262 USD/tấn, giảm 15 USD/tấn so với tháng 12/2023. Tính chung nhóm hàng sắn và các sản phẩm từ sắn đã thu về hơn 195 triệu USD, tăng 38,1% so với tháng trước đó.
Trung Quốc tiếp tục giữ vững vị trí nhà nhập khẩu sắn lớn nhất của Việt Nam. Cụ thể, tháng 1/2024, Việt Nam xuất sang Trung Quốc gần 402.000 tấn sắn và thu về hơn 183 triệu USD, tăng 48% về lượng và tăng 38% về trị giá so với tháng trước. Thị phần của Trung Quốc cũng tăng từ 91% trong năm 2023 lên 94% trong tháng đầu tiên của năm 2024.