Lo cho doanh nghiệp ngành điều. Măng cụt đầu mùa giá cao nhưng sản lượng giảm. Nuôi dê núi đá mang lại thu nhập cao. Đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng để phát triển ngành tôm.
Theo số liệu thống kê, lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu ngành điều đạt 216.000 tấn, với kim ngạch 1,16 tỷ USD, tăng 32,4% về khối lượng và tăng 21,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, tốc độ xuất khẩu ngành điều sang một số thị trường lớn, như Trung Quốc, Hà Lan, Hoa Kỳ... ghi nhận mức tăng trưởng mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Bạch Khánh Nhựt – Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, dù xuất khẩu điều tăng cả về lượng và giá trị, nhưng giá xuất khẩu nhân điều chế biến lại giảm gần 8% so với cùng kỳ năm trước, bình quân chỉ đạt gần 5.370 USD/tấn trong 4 tháng đầu năm nay.
Giá nguyên liệu điều thô nhập về từ các nước châu Phi luôn ở mức cao hơn so với điều nhân xuất đi. Các doanh nghiệp rất khó khăn trong việc điều phối và điều chỉnh năng lực sản xuất để cho có hiệu quả, lợi nhuận. Hầu như 4 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp không cân bằng được giá vì nguồn cung điều thô là đối tác khác và đối tác mua điều nhân lại là đối tác khác.
Măng cụt đầu mùa giá cao nhưng sản lượng giảm
Lê Hoàng Vũ SX
Hiện nay, các tỉnh ĐBSCL như Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và TP Cần Thơ nhiều nhà vườn trồng măng cụt đang bắt đầu bước vào mùa thu hoạch. Giá măng cụt đầu vụ được nông dân bán cho thương lái và các vựa thu mua ở mức 60 đến 65 nghìn đồng/kg, (loại đẹp từ 10-14 trái một kg). Còn giá bán lẻ trái măng cụt tại nhiều chợ bán lẻ ở ĐBSCL đang ở mức 70.000-75.000 đồng một kg. Ở một số siêu thị, giá măng cụt ở mức trên dưới 80.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, bà Đặng Thị Ngọc Trinh, ở thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang trồng 3 công măng cụt cho biết: năm nay do nắng nóng kéo dài, sản lượng măng cụt ước giảm hơn 30% so với vụ mùa năm 2023.
Nuôi dê núi đá mang lại thu nhập cao
Thanh Tiến - Sx
Tận dụng tiềm năng, lợi thế về bãi chăn thả, nguồn thức ăn, người dân huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái) chuyển đổi chăn nuôi trâu, bò sang nuôi dê. Với ưu điểm “chỉ ăn cỏ, uống nước lã”, nuôi dê trở thành hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện nay, toàn huyện có gần 300 mô hình nuôi dê với tổng đàn khoảng 8.000 con. Trung bình mỗi mô hình thường nuôi từ 25 - 30 con, đặc biệt có mô hình quy mô gần 80 - 100 con. Các địa phương phát triển mạnh đàn dê là Tân Nguyên, Mông Sơn, Tân Hương, Vĩnh Kiên, Bạch Hà, Phúc An.
Giống dê bà con hay nuôi chủ yếu là dê cỏ, dê núi có kích thước nhỏ nhưng khoẻ mạnh, chất lượng thịt thơm ngon. Lượng thức ăn cho dê không cần nhiều, ít phải bổ sung tinh bột. Trung bình mỗi mô hình từ 30 - 40 con sẽ cho thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/năm.
Đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng để phát triển ngành tôm
Minh Phúc khai thác
Nhằm thực hiện phương án phát triển ngành tôm tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức sản xuất với những mô hình phù hợp, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng ngành tôm của địa phương. Qua đó, đưa sản phẩm tôm của địa phương có đủ sức cạnh tranh trên thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái.
Tỉnh Cà Mau cũng đề ra mục tiêu cụ thể mà địa phương hướng đến là đến năm 2025 sẽ nâng giá trị kinh ngạch xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD; đến năm 2030 là khoảng 1,65 tỷ USD, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là 6 tỷ USD. Dự kiến, tổng nguồn vốn đầu tư cho phát triển ngành tôm đến năm 2030 là khoảng 20.000 tỷ đồng.