Loài rau dại mọc quanh giếng cổ Gio Linh mang về hàng chục tỷ đồng. 600 tỷ đồng cho người dân vay phát triển kinh tế. Hơn 60 hộ dân mắc kẹt đất sản xuất. Hà Nội công nhận danh hiệu 15 làng nghề.
Loài rau dại mọc quanh giếng cổ Gio Linh mang về hàng chục tỷ đồng
Võ Dũng sx
Xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị hiện có 15 ha rau Liệt. Đây là loài rau dại và chỉ mọc xung quanh hệ thống giếng cổ Gio An; phát triển từ tháng 9, tháng 10 hàng năm, cho thu hoạch đến cuối tháng 4 năm sau. Từ vài năm nay, người dân Gio An đã lưu giữ nguồn giống, trồng và biến rau Liệt thành nguồn rau xanh đặc sản; cho thu nhập có thể lên tới 800 triệu đồng/ha (nếu nhân cơ học theo diện tích).
Cứ 10 ngày thu hoạch 1 lần, rau liệt được các tư thương đến tận ruộng mua với giá 2-3 nghìn đồng/bó. Người dân ở đây cho biết, rau Liệt chỉ mọc quanh khu vực giếng cổ, nơi có nguồn nước mát, sạch và “dị ứng” với các loại phân đạm. Nhiều người thử mang rau liệt đi trồng ở những nơi khác, bón phân và chăm sóc nhưng rau màu nhưng bị chết hoặc phát triển rất kém.
600 tỷ đồng cho người dân vay phát triển kinh tế
Văn Vũ sx
Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số người Khmer sinh sống. Những năm qua, trên địa bàn tỉnh được triển khai nhiều gói tín dụng từ của Chính phủ để đã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác từng bước nâng cao điều kiện sống.
Điển hình là năm 2023, tỉnh đã cho vay trên 600 tỷ đồng cho gần 12.500 người, mỗi hộ sẽ được vay tối đa 100 triệu đồng để mở rộng sản xuất nông nghiệp và các hình thức phát triển kinh tế khác. Từ nguồn vốn vay chính sách đã tạo điều kiện và động lực khích lệ nông dân mạnh dạn đầu tư, tích cực sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Hơn 60 hộ dân mất kẹt đất sản xuất
Quốc Toản sx
Hàng chục hộ dân tại thôn Ban Thọ (xã Vạn Thắng, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) bất ngờ vì dự án cụm công nghiệp Vạn Thắng - Yên Thọ do Công ty Cổ phần Tập đoàn Việt Hưng làm chủ đầu tư kiểm kê một đằng, thu hồi một nẻo. Sau khi thay đổi phương án theo hướng giảm diện tích thu hồi, người dân không nhận được thông báo và quyết định thu hồi đất gửi cho từng hộ.
Mặt khác việc thu hồi đất chồng chéo giữa các dự án khiến người dân không biết gặp đơn vị nào để nhận tiền đền bù. Hệ lụy là, phần diện tích đất còn lại của 60 hộ dân chưa thu hồi hết khó có khả năng canh tác do diện tích canh tác nhỏ lẻ và hệ thống thủy lợi bị ảnh hưởng khi thực hiện dự án. Bên cạnh đó, dù dự án cụm công nghiệp chưa hoàn tất việc trả tiền bồi thường cho các hộ dân theo đúng diện tích cam kết trước đó, thế nhưng đơn vị thi công đã bắt đầu san nền, tập kết máy móc, thi công công trình, bất chấp sự phản ứng từ phía người dân.
Hà Nội công nhận danh hiệu 15 làng nghề
Minh Phúc khai thác
Hà Nội vừa công bố Quyết định và trao Bằng công nhận danh hiệu 15 làng nghề thuộc các quận, huyện: Gia Lâm, Thường Tín, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Thanh Trì, Hoàng Mai. Và 104 chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao năm 2023.
Trong 15 làng nghề được công nhận năm 2023, có 6 làng nghề được công nhận mới, 9 làng nghề thuộc huyện Phú Xuyên được công nhận từ “Làng nghề” lên “Làng nghề truyền thống”.
Sau khi được công nhận danh hiệu làng nghề, các làng nghề đã và đang duy trì hoạt động hiệu quả, một số làng nghề đã thành lập Hội làng nghề hoặc Ban quản lý làng nghề (tiền thân của Hội làng nghề) để hỗ trợ, liên kết trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như gắn kết giữa các hộ sản xuất kinh doanh trong làng nghề như làng nghề chế biến nông sản thôn Thuận Quang, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm; làng nghề cỏ tế mây tre đan Lưu Thượng, xã Phú Túc, các làng nghề khảm trai xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên,…