Trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp nông nghiệp cho Đại sứ Hà Lan. Luật Hợp tác xã 2012 còn tồn tại nhiều bất cập. Xuất khẩu cá tra tăng mạnh tại thị trường chính. Ngành chăn nuôi heo liên tiếp đón sóng đầu tư lớn.
TRAO KỶ NIỆM CHƯƠNG VÌ SỰ NGHIỆP NÔNG NGHIỆP CHO ĐẠI SỨ HÀ LAN
Sáng 20/7, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh Trao Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn" cho bà Elsbeth Akkerman, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, sau 2 năm thực hiện hiệp định EVFTA, Hà Lan đã trở thành là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đóng góp tới 50% tổng vốn FDI từ các nhà đầu tư Châu Âu.
Thành công trên có sự đóng góp không nhỏ của bà Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam, nhất là trong việc thúc đẩy hợp tác và triển khai tích cực các Thỏa thuận đã ký kết lĩnh vực nông nghiệp cũng như kết nối hoạt động đầu tư kinh doanh nông sản giữa 2 nước.
Về phần mình, Đại sứ Elsbeth Akkerman xúc động chia sẻ về sự hỗ trợ nhiệt tình của các Bộ,ban,ngành và nhân dân Việt Nam với Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam cũng như cá nhân Bà trong suốt nhiệm kỳ vừa qua.
Đại sứ khẳng định, Hà Lan coi hợp tác với Việt Nam là mối quan hệ trọng điểm, hiệu quả và thực chất, trải dài trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong nông nghiệp.
LUẬT HỢP TÁC XÃ 2012 CÒN TỒN TẠI NHIỀU BẤT CẬP
Sáng 20/7, tại tỉnh Hậu Giang, Liên minh HTX Việt Nam phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức “Tọa đàm góp ý kiến về Dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi”, với sự tham gia của 60 đại biểu Bộ, ngành Trung ương và Liên minh HTX của 12 tỉnh, thành ĐBSCL.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng, sau 10 năm triển khai, Luật HTX năm 2012 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, cản trở sự phát triển của HTX.
Hội nghị sẽ tiến hành lấy ý kiến 2 tờ trình dự thảo Luật HTX sửa đổi và Luật các tổ chức kinh tế hợp tác. Đồng thời, tập trung phân tích, đóng góp nhằm loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường, phát triển thành viên; bảo đảm và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của HTX.
Một số tồn tại hạn chế được các đại biểu kiến nghị cần được bổ sung, sửa đổi như: Chỉ tăng trưởng về số lượng thành viên chứ không tăng chất lượng, công tác quản trị - quản lí còn nhiều khó khăn , quy mô nhiều HTX còn nhỏ nên doanh thu thấp, không được tập huấn thường xuyên nên chưa theo kịp biến động kinh tế của thị trường và dịch bệnh,…
Theo hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam – VASEP, 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra đạt 1,4 tỷ USD, tăng 82,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, hầu hết các thị trường chính đều có mức tăng trưởng ấn tượng.
Theo đó, giá trị xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ đạt 356,4 triệu USD trong nửa đầu năm, tăng 111% so với cùng kỳ, chiếm 25% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này.
Tuy nhiên, trong 2 tháng trở lại đây, tăng trưởng tại thị trường này đang bắt đầu chậm lại khi tình hình tiêu thụ thủy sản nói chung, trong đó có cá tra có dấu hiệu giảm sút, trong bối cảnh lạm phát của Hoa Kỳ đang ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua.
Ngoài ra, trong nửa đầu năm, xuất cá tra đi thị trường Trung Quốc - Hồng Kông đạt 427,6 triệu USD, tăng 107% so với cùng kỳ, sang khối CPTPP cũng đạt 180 triệu USD, tăng 66,3% so với cùng kỳ.
NGÀNH CHĂN NUÔI HEO LIÊN TIẾP ĐÓN SÓNG ĐẦU TƯ KHỦNG
Thời gian gần đây, không chỉ đón nhận nhiều tin vui về giá, ngành chăn nuôi heo còng liên tiếp đón sóng đầu tư khủng từ nhiều tập đoàn lớn.
UBND tỉnh Gia Lai vừa chấp nhận điều chỉnh chủ trương đầu tư cho dự án phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai. Quy mô dự án bao gồm các loại cây ăn trái với tổng diện tích gần 1.550ha và xây dựng chuồng trại để chăn nuôi 24.000 con heo giống, 560.000 con heo thịt trên diện tích 108 ha.
Không chỉ dự án của Bầu Đức, đầu năm nay, Công ty vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ và Công ty Tập đoàn Dabaco Việt Nam đã ký kết hợp tác phát triển chăn nuôi heo với mục tiêu đạt 1 triệu con heo đến năm 2028 tại các tỉnh phía Nam từ Đà Nẵng trở vào với tổng vốn đầu tư của liên doanh là 3.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo từ Cục Chăn nuôi, chăn nuôi đang chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi hộ có quy mô lớn hơn, tăng phát triển các mô hình trang trại, tập trung và hình thành các chuỗi giá trị chăn nuôi. Năm 2021, cả nước có 20.843 cơ sở chăn nuôi lợn từ 10 con trở lên với tổng đầu con 11,7 triệu con chiếm tỷ lệ 41,6% so với tổng đàn heo của cả nước.