Mía nguyên liệu được thu mua trên 1 triệu đồng/tấn. Chưa có thời gian cụ thể hàng khô Việt Nam xuất Trung Quốc phải bọc nilon. Giá vật tư nông nghiệp cao là thách thức lớn với ngành lúa gạo. Giá heo hơi giảm tiếp 1.000 - 2.000 đồng/kg.
MÍA NGUYÊN LIỆU ĐƯỢC THU MUA TRÊN 1 TRIỆU ĐỒNG/TẤN
Theo Chi cục Trồng trọt – BVTV tỉnh Khánh Hòa, niên vụ 2021-2022, toàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 10.300 ha trồng mía, trong đó TX Ninh Hòa có 6.530 ha. Nhờ thời tiết thuận lợi, mưa đều nên cây mía sinh trưởng và phát triển tốt cho năng suất trung bình đạt 55 tấn/ha, tăng 5-6 tấn/ha so với năm ngoái. Mía nguyên liệu cũng được các nhà máy trên địa bàn thu mua với mức giá cao, trên 1 triệu đồng/tấn với loại chữ đường 10 CCS, tăng khoảng 100 - 200 ngàn đồng/tấn so với cùng kỳ 2021. Giá bán mía nguyên liệu cao sẽ là tiền đề quan trọng để bà con có chi phí tái đầu tư trong mùa vụ tiếp theo giúp ngành mía đường nội địa lấy lại vị thế vốn có.
CHƯA CÓ THỜI GIAN CỤ THỂ HÀNG KHÔ VIỆT NAM XUẤT TRUNG QUỐC PHẢI BỌC NILON
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn, việc bọc màng nilon với hàng khô Việt Nam là đề xuất từ phía cơ quan chức năng Trung Quốc do cơ quan kiểm dịch nước này phải phun khử khuẩn, nên việc bọc màng ni lông để đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Tuy vậy, vẫn chưa có thời gian cụ thể yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện yêu cầu trên. Bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7, Cục Bảo vệ Thực vật nhận định, yêu cầu bọc màng nilon không phải yêu cầu quá cao và phức tạp, các doanh nghiệp có thể dễ dàng thực hiện nếu có sự chuẩn bị từ sớm.
GIÁ VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP CAO LÀ THÁCH THỨC LỚN VỚI NGÀNH LÚA GẠO
Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo: Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 2022 vẫn đảm bảo từ 6 -6,2 triệu tấn, tương đương năm 2020 và 2021. Tuy vậy, giá gạo xuất khẩu khó có thể đạt mức cao như năm trước. Khó khăn lớn nhất của ngành sản xuất lúa gạo năm nay vẫn là giá các loại vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu tăng phi mã trong 2021, đặc biệt với mặt hàng phân bón đã thiết lập mặt bằng giá mới, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người trồng lúa và doanh nghiệp xuất khẩu. Theo Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 1/2022 đạt 505.700 tấn, trị giá khoảng 246 triệu USD, tăng 45,4% về lượng và tăng 28,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, giá gạo xuất khẩu trung bình chỉ đạt 486,5 USD/tấn, giảm 11,8% so với cùng kỳ 2021.
GIÁ HEO HƠI GIẢM TIẾP 1.000 - 2.000 ĐỒNG/KG
Giá heo hơi ngày 17/2 tại thị trường ba miền tiếp tục giảm thêm 1.000 - 2.000 đ/kg ở vài nơi so với hôm qua và giao dịch ở mức 54.000 - 58.000 đ/kg. Cụ thể, giá heo hơi tại thị trường miền Bắc giảm nhẹ 1.000 đ/kg ở một số địa phương và giao dịch quanh ngưỡng 55.000 - 57.000 đ/kg. Còn tại miền Trung và Tây Nguyên, heo hơi đang được thu mua ở mức 54.000 - 57.000 đ/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với ngày 17/2. Giá heo hơi tại miền Nam cũng giảm nhẹ 1.000 đ/kg so với hôm qua và giao dịch ở mức 54.000 - 57.000 đ/kg.