Đẩy nhanh đăng ký mã số xuất khẩu sang Trung Quốc. Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 200.000 tôm bố mẹ. Thu nhập lao động khu vực hợp tác xã bằng 50% doanh nghiệp. Cà Mau quản lý chặt tàu cá ra, vào cửa biển.
ĐẨY NHANH ĐĂNG KÝ MÃ SỐ XUẤT KHẨU SANG TRUNG QUỐC
Nhằm tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Lệnh 248 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu thực phẩm. Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng với các Bộ, ngành liên quan rà soát lại số doanh nghiệp và sản phẩm đã đề xuất với Hải quan Trung Quốc nhưng chưa được phê duyệt, cấp mã số xuất khẩu. Cùng với đó, Bộ Công Thương đôn đốc Tổng cục Hải quan Trung Quốc sớm phản hồi và cấp mã số xuất khẩu đăng ký đối với danh sách doanh nghiệp sản xuất thực phẩm của Việt Nam, đảm bảo cho hoạt động thương mại song phương được duy trì ổn định. Mặt khác, Bộ Công Thương cũng phản ánh kịp thời những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình đăng ký mã số xuất khẩu để phản ánh tới phía cơ quan chức năng phía Trung Quốc kịp thời tháo gỡ cho doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT phổ biến tới địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp triển khai thực hiện đáp ứng các quy định của Trung Quốc.
MỖI NĂM VIỆT NAM NHẬP KHẨU KHOẢNG 200.000 TÔM BỐ MẸ
Theo Tổng cục Thủy sản, cả nước hiện có 2.063 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ. Tuy nhiên, đến nay còn nhiều cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ươm dưỡng giống thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản. Do thiếu nguyên liệu, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 200.000 con tôm bố mẹ, trong đó nhập từ Mỹ chiếm 53,5%. Năm 2022, ngành Thủy sản phấn đấu sản xuất khoảng 260.000-270.000 con tôm bố mẹ; tôm giống khoảng 140-150 tỷ con. Diện tích nuôi tôm đạt khoảng 750.000ha với sản lượng khoảng 980 nghìn tấn. Tổng cục Thủy sản cũng khuyến cáo doanh nghiệp, người nuôi tôm chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.
THU NHẬP LAO ĐỘNG KHU VỰC HỢP TÁC XÃ BẰNG 50% DOANH NGHIỆP
Theo Liên minh HTX Việt Nam, sau 10 năm thực hiện Luật HTX năm 2012, khu vực kinh tế tập thể, HTX đã có chuyển biến tích cực. Năm 2020, doanh thu bình quân đạt 4,3 tỷ đồng/HTX, lợi nhuận bình quân đạt 314 triệu đồng/HTX. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX ngày càng thu hẹp khoảng cách so với thu nhập bình quân của lao động khu vực doanh nghiệp, từ 44,6 triệu đồng/người/năm, bằng 44,8% mức thu nhập của lao động trong khu vực doanh nghiệp năm 2017 tăng lên 53 triệu đồng/năm và đạt 47,3% tương ứng năm 2019. Tuy nhiên, đóng góp vào GDP của khu vực kinh tế tập thể, HTX giảm dần qua các năm. Cụ thể, từ 4,03% năm 2013 xuống còn 3,62% năm 2021, số lượng thành viên cũng giảm từ 8 triệu xuống còn 5 triệu. Thu nhập của người lao động trong HTX tuy đã tăng nhưng chỉ bằng 50% so với doanh nghiệp.
CÀ MAU QUẢN LÝ CHẶT TÀU CÁ RA, VÀO CỬA BIỂN
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, 99% số tàu cá của tỉnh này đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, số lượng thiết bị sau lắp đặt bị mất kết nối trên thực tế vẫn còn nhiều. Trong khi đó, cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong kiểm tra, xác định nguyên nhân thiết bị tàu cá mất kết nối. Do vậy, tỉnh Cà Mau đã tăng cường quản lý tàu cá ra vào các cửa biển, thường xuyên tuyên truyền, vận động ngư dân tuân thủ các quy định chống khai thác thủy sản trái phép của IUU. Cùng với đó, sẽ xử lý nghiêm đối với những tàu cá cố tình tháo gỡ thiết bị giám sát hành trình hoặc có hành vi phá sóng thiết bị...; đối với tàu cá đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài sẽ bị xử lý thật nặng, biện pháp chế tài cao nhất là tịch thu tàu cá vi phạm nhằm mục đích răn đe.