| Hotline: 0983.970.780

Người có công lan tỏa kinh nghiệm trồng đào cảnh cho đồng bào dân tộc

Thứ Tư 03/10/2018 , 06:01 (GMT+7)

Không chỉ là người đi đầu trong việc phá bỏ vườn tạp, trồng đào cảnh, ông Quách Văn Hùng còn giúp nhiều hộ đồng bào cùng xã đổi thay cuộc sống. 

Đam mê, chịu khó đến mức khó tin với cây đào cảnh và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, đó là điều mà người dân Xuân Du nói về ông.
 

Xóa bỏ vườn tạp, đưa cây đào ra đồng

Nghề trồng đào tại xã Xuân Du (Như Thanh, Thanh Hóa) đã có từ đầu những năm 90 thế kỷ trước. Thế nhưng, phải đến năm 2014 mới thực sự trở thành phong trào.

Ông Quách Văn Hùng, một người dân tộc Mường ở Xuân Du là người tiên phong. Ông bắt đầu trồng đào từ năm 1996 và cũng kể từ đó, phong trào trồng đào ở Xuân Du lên dần.

09-42-56_ong_hung_thi_phm_ky_thut_gheodo
Ông Hùng thị phạm kỹ thuật ghép đào

“Lúc đó, tôi có 7 sào ruộng và 10 sào vườn đồi. Nhiều nhà trồng keo nhưng hiệu quả cũng không cao. Vì các con còn nhỏ, hai vợ chồng quanh quẩn với 7 sào ruộng đã hết thời gian nên vườn đồi nhà tôi gần như bỏ hoang cho cây dại mọc um tùm. Tôi bắt đầu tập trồng đào nhưng lúc đầu chỉ trồng vài cây chơi tết. Thấy giá bán cao, tôi bàn với vợ phá bỏ vườn tạp trồng đào cảnh”, ông Hùng chia sẻ.

Năm 2005, ông chuyên tâm cải tạo lại vườn, không chỉ trồng trong vườn đồi, ông còn đưa cây đào ra ruộng. Sau một vài lần thử nghiệm, ông quyết lấy đào phai làm chủ lực. Cách nhân giống thì đã lĩnh hội đủ, dùng hạt, chiết, ghép ông đều thành thục như một nghệ nhân thực thụ.

Tính đến năm 2005, ông Hùng mới chỉ có 7 sào đào (khoảng trên 1 nghìn gốc đào). Nhưng tính đến nay, ông đã có trong tay 14 sào đào phai (8.000m2). Ngoài ra, ông còn thuê 1ha đất tại huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) để phát triển nghề trồng đào. Theo ông Hùng, chỉ cần vài năm nữa, vườn đào mới này cũng sẽ cho thu hoạch.

“Tôi trồng và thu hoạch cuốn chiếu. Cứ mỗi năm bán một ít chứ không bán một lúc hết cả vườn. “Chiến thuật” này có thể không “ăn đậm” một vụ nhưng ăn chắc, giảm được nguy cơ rủi ro và quan trọng năm nào mình cũng sẽ có tiền tươi thóc thật. Tính ra, từ 14 sào đào mỗi năm tôi cũng lãi ròng vài ba trăm triệu. Có thể mới đủ nuôi 3 đứa con ăn học đại học, cao đẳng chứ”, ông Hùng phấn khởi.
 

Người uy tín bậc nhất làng đào hàng chục tỷ

Ông Nguyễn Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Xuân Du cho biết, ông Hùng không phải là người trồng đào đầu tiên, cũng không phải là người có thu nhập lớn nhất từ trồng đào ở xã nhưng là người có rất nhiều kinh nghiệm về trồng, tạo dáng cho cây đào và sẵn sàng chia sẻ. Phẩm chất đáng quý nhất là ông Hùng rất chịu khó, biết tiếp thu và nhìn xa trông rộng. Chính điều đó đã giúp ông thực sự có tiếng nói trong cộng đồng. Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thông qua ông Hùng đã đến được và đồng bào thấu hiểu.

Nhiều người trồng đào ở đây vẫn còn biết ơn ông lắm. Khi chạy theo phong trào trồng đào, không ít hộ đã mất cả chì lẫn chài. Họ đến gõ cửa nhà ông để mong được giúp đỡ. Không nề hà, ông Hùng chỉ cặn kẽ cho họ kỹ thuật trồng cây đào, cho hàng chục hộ trong thôn vay cây giống. Những người được ông giúp đỡ đều thành công. Cả thôn 5 hiện nay có 147/147 hộ trồng đào; cả xã có trên 1.200/1.597 hộ trồng đào với tổng diện tích 120ha. Gần như gia đình nào có đất đều tham gia trồng đào. Năm 2016, Xuân Du có 8/14 thôn được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận làng nghề trồng đào cảnh.

09-42-56_ben_mot_goc_do_co_thu_duoc_chinhong_hung_ghep
Ông Hùng bên gốc đào cổ thụ do chính mình ghép

Ông Sinh cho biết, phải đến năm 2014 thì phong trào trồng đào mới rầm rộ. “Sau 4 năm nở rộ phong trào, chúng tôi đã chuyển được trên 10ha ruộng khó canh tác, cao cưỡng sang trồng đào. Nhưng ông Hùng là người đi đầu bởi trước đó đã chuyển một số diện tích đất ruộng của gia đình mình sang trồng đào thành công. Điều đó tạo niềm tin cho người dân ở vùng miền núi khó khăn này”, ông Sinh chia sẻ.

Nói về hiệu quả của cây đào cảnh, ông Nguyễn Văn Sinh Chủ tịch UBND xã Xuân Du phấn khởi: “Nhờ cây đào cảnh, cuộc sống người dân ở vùng đất vốn nghèo khó với trên 30% là đồng bào dân tộc thiểu số này đã thay da đổi thịt. Nếu như năm 2014, khi mới bắt đầu trồng đào, thu nhập bình quân đầu người mới 23 triệu đồng thì nay tăng lên 33 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4,7% xuống còn 2,25%. Xuân Du là một trong những xã đầu tiên của 11 huyện miền núi Thanh Hóa về đích NTM đầu tiên. Nhờ trồng đào thu nhập cao, trong số gần 134 tỷ đồng huy động xây dựng NTM, người dân Xuân Du đóng góp trên 100 tỷ đồng. Người dân có của ăn của để, việc đấu giá đất ở có hiệu quả đáng kể khi hầu hết các lô đất đều được bán đấu giá với giá cao. Xuân Du cũng trở thành xã có nguồn thu nhập “khủng” từ trồng đào với 17 - 22 tỷ đồng/năm. Một số hộ có tới 1 - 3ha đào, cho thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng/năm”.

Theo ông Hùng, bí quyết đưa cây đào ra ruộng thực ra cũng không có gì đặc biệt. Cây đào có thể chịu được điều kiện đất đai cằn cỗi và càng cằn cỗi bao nhiêu thì dáng dấp cây đào lại càng được ưa chuộng. Điều quan trọng là cây đào phải được thoát nước tốt, ngập úng là thối rễ chết. Vì vậy, những luống đào của ông được làm líp cao, xung quanh có rãnh thoát nước.

Không chỉ tự làm đào cảnh từ hạt giống, ông Hùng có thể tạo ra những gốc đào cảnh có giá bán 30 - 40 triệu đồng từ kỹ thuật chiết, ghép. Tuy nhiên, cũng theo ông Hùng, hiện nay người trồng đào Xuân Du băn khoăn nhất là bệnh chảy gôm trên cây đào chưa có thuốc đặc trị. Bản thân ông Hùng đã dùng đủ phương pháp nhưng chỉ mới hạn chế được phần nào.

 

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.