Ngành bảo vệ thực vật đem đến sinh khí mới trong nông nghiệp. Siết kiểm soát trâu, bò nhập lậu. Việt Nam giảm phát thải 85 triệu tấn CO2. Tôm giống kém chất lượng vẫn trôi nổi trên thị trường.
NGÀNH BẢO VỆ THỰC VẬT ĐEM ĐẾN SINH KHÍ MỚI TRONG NÔNG NGHIỆP
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023 củaCục Bảo vệ thực vật, chiều 8/12, Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung cho biết, trong năm 2022, công tác hợp tác quốc tế và mở cửa thị trường đối với nông sản của Việt Nam được duy trì tốt với nhiều kết quả đáng mừng. Bên cạnh đó, công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đối với các sản phẩm nông sản chủ lực tiếp tục được quan tâm và mở rộng không ngừng.Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, trong năm 2022, ngành bảo vệ thực vật đã có nhiều ý tưởng, phương thức hoạt động, qua đó mang lại một “sinh khí” mới cho ngành bảo vệ thực vật nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung. Bộ trưởng mong muốn những cán bộ ngành BVTV không chỉ bảo vệ các loài thực vật mà còn bảo vệ môi trường sống, đa dạng sinh học và trên hết là bảo vệ cho 100 triệu đồng bào Việt Nam.Nhân dịp này, Thừa ủy quyền Chủ tịch nước, Bộ trưởng Lê Minh Hoan trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực Vật, cùng bằng khen cho các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc.
SIẾT KIỂM SOÁT TRÂN, BÒ NHẬP LẬU
Bộ NN-PTNT vừa có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành gồm: Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, đặc biệt các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, đề nghị tập trung chỉ đạo, tổ chức ngăn vận chuyển, buôn bán trái phép trâu, bò qua biên giới.Theo Bộ NN-PTNT, thời gian qua hiện tượng buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò qua biên giới khu vực miền Trung vào Việt Nam diễn ra khá phổ biến, phức tạp, làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục…Do đó, Bộ NN-PTNT đề nghị lực lượng thú y, công an, quản lý thị trường tổ chức rà soát kỹ, kiểm soát chặt chẽ các trường hợp buôn bán, vận chuyển trâu, bò xuất phát từ các tỉnh giáp biên giới với Lào, Campuchia, nhất là các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị; kịp thời phát hiện, phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, hợp thức hóa nguồn gốc trâu, bò nhập lậu, làm giả giấy tờ kiểm dịch nhập khẩu, kiểm dịch vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh.
VIỆT NAM GIẢM PHÁT THẢI 85 TRIỆU TẤN CO2
Ngày 8/12, tại Cần Thơ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội phối hợp Dự án thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL tổ chức Hội thảo “Tình hình ban hành và thực hiện pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam trong giai đoạn 2016 – 2021 và giải pháp trong thời gian tới”.Theo ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc Hội, biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường và sức khỏe con người. Thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về biến đổi khí hậu để thực hiện các cam kết quốc tế. Từ đó, kết quả giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam trong giai đoạn 2014 – 2020 tương đối tốt, ước tính mức giảm phát thải đạt khoảng 85 triệu tấn CO2td vào năm 2020. Riêng lĩnh vực nông nghiệp đã giảm được 1,5 triệu tấn CO2tđ.
TÔM GIỐNG KÉM CHẤT LƯỢNG VẪN TRÔI NỔI TRÊN THỊ TRƯỜNG
Ngày 8/12, tại thành phố Huế, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức hội thảo “Giải pháp phát triển nuôi tôm nước lợ bền vững tại một số tỉnh duyên hải miền Trung”. Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, phát triển nuôi tôm nước lợ theo hướng bền vững tại các tỉnh miền Trung thời gian qua vẫn còn gặp một số khó khăn như: nguồn tôm giống bố mẹ phụ thuộc vào nhập khẩu và khai thác tự nhiên, các cơ sở trong nước mới chỉ cung cấp được một phần, chưa chủ động trong sản xuất. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng tôm giống kém chất lượng trôi nổi trên thị trường. Tại hội thảo, các ý kiến đều đồng thuận cho rằng, cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ về quản lý, công nghệ, đầu tư hạ tầng kỹ thuật và nâng cao nhận thức trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người nuôi. Đến nay, tại miền Trung đã hình thành các tỉnh trọng điểm, vùng nuôi tập trung công nghệ cao. Bên cạnh đó, các địa phương đã hình các vùng sản xuất giống tập trung với 2.224 cơ sở, sản xuất trên 130 tỷ con giống/năm. Cùng với đó, tại các địa phương miền Trung đã có trên 500 cơ sở sản xuất, nhập khẩu thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường, trong đó có 96 cơ sở vốn đầu tư nước ngoài.