Xử phạt hơn 2.200 cơ sở vi phạm trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật đóng góp lớn vào giảm phát thải. Làng mứt gừng xứ Huế vào vụ Tết. Khẩn trương khắc phục sạt sở đê biển.
Xử phạt hơn 2.200 cơ sở vi phạm trong lĩnh vực nông nghiệp
Sáng 6/1, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 công tác chất lượng, an toàn thực phẩm. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, trong bối cảnh dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Bộ đã chỉ đạo, thành lập các đoàn kiểm tra tại các thành phố lớn, qua kiểm tra cho thấy kết quả tốt, nguồn hàng hóa đều đảm bảo cung ứng đầy đủ cho dịp Tết Nguyên đán. Theo đại diện Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, năm 2022, có hơn 2.500 chuỗi giá trị an toàn thực phẩm được thiết lập duy trì với sự tham gia của một số tập đoàn lớn như Dabaco, Ba Huân, Saigon Coop,…Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn ngành nông nghiệp đã thực hiện thanh tra hơn 27.500 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản, xử phạt hành chính hơn 2.200 cơ sở với số tiền phạt 20,14 tỷ đồng. xử phạt.
NGÀNH TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT HÀ NỘI ĐÓNG GÓP LỚN VÀO GIẢM PHÁT THẢI
Sáng 6/1, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật Hà Nội tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch nhiệm vụ năm 2023. Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật Hà Nội cho biết, trong năm 2022, Diện tích lúa sản xuất có xu hướng mở rộng sang các giống lúa chất lượng cao, nhiều mô hình liên kết doanh nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất được triển khai thành công. Theo ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, năm 2022, ngành nông nghiệp nói chung phải đối mặt với rất nhiều thách thức về phục hồi hậu covid, lạm phát, giá vật tư, phân bón tăng cao, tác động rất lớn tới ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật Hà Nội vẫn có nhiều kết quả tích cực trong năm vừa qua. Trong đó, Hà Nội là địa phương thực hiện rất hiệu quả Hệ thống canh tác lúa cải tiến - SRI, đóng góp rất lớn vào cam kết giảm phát thải của Việt Nam.
LÀNG NGHỀ MỨT GỪNG XỨ HUẾ VÀO VỤ TẾT
Cũng như nhiều làng nghề truyền thống Huế chuyên sản xuất, cung ứng các mặt hàng cho thị trường Tết, những ngày cận kề Tết Quý Mão 2022, người dân phường Kim Long, thành phố Huế lại đang hối hả vào vụ mùa lớn và sôi động nhất năm. Sở dĩ mứt gừng xứ Huế được người tiêu dùng gần xa tin chọn là do mứt không cần chất tạo màu, tạo mùi hay chất bảo quản lại có vị ngon cay nồng, ngọt thanh.Các hộ dân làm mứt gừng Huế tại Kim Long cho biết, loại gừng được sử dụng chế biến phải là gừng thu hoạch vào cuối năm, không quá xơ già cũng không quá non để có vị cay nồng đến độ. Hiện, mứt gừng Kim Long được bán với giá từ 50.000 – 70.000 đồng/kg tùy chủng loại. Những năm gần đây, thị trường tiêu thụ của mứt gừng Kim Long không chỉ bó hẹp tại tỉnh Thừa Thiên- Huế mà sản phẩm còn bán rất chạy tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
KHẨN TRƯƠNG KHẮC PHỤC SẠT LỞ ĐÊ BIỂN
Theo UBND thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, hiện nay nhiều khu vực tại địa phương không còn rừng phòng hộ, có đoạn đê rừng còn rất mỏng nên sóng biển thường xuyên uy hiếp hệ thống đê kè. Trong khoảng 1 tháng trở lại đây có khoảng 90 mét đoạn đê xung yếu đã bị sạt lở đang được khẩn trương gia cố .Trong năm 2022 tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nâng cấp 22km đê biển, triển khai công trình chống sạt lở bờ biển chiều dài 2,2km thuộc xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu. Ngoài ra, tỉnh cũng đặc biệt chú trọng đến giải pháp phi công trình bằng cách phát triển rừng phòng hộ ven biển, tạo hành lang chắn sóng biển bảo vệ thân đê, giúp giảm sạt lở.