Rạng sáng 29/12, Đoàn kiểm tra của Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đã tiến hành kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tại một số chợ đầu mối trên địa bàn thành phố.
Ông Nguyễn Tấn Quang Vinh, Giám đốc kinh doanh Cty CP Quản lý và kinh doanh Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết vẫn còn những thương nhân ý thức kém, thực hiện chưa đầy đủ việc ghi chép sổ nguồn gốc hàng hóa, niêm yết giá bán hàng hóa, khám sức khỏe hàng năm và tập huấn kiến thức ATTP định kỳ.
Bên cạnh đó, việc thu thập thông tin nguồn gốc hàng hóa chủ yếu từ tỉnh thành, huyện xã lớn chưa được chi tiết đến địa điểm cụ thể vùng trồng, gây khó khăn cho công tác quản lý truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
Tương tự tại chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Hóc Môn, ngay từ ngoài quốc lộ dẫn vào chợ cũng xuất hiện nhiều điểm bán hàng tự phát. Theo lãnh đạo Cty TNHH quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, xung quanh chợ hiện nay có 190 điểm kinh doanh tự phát tại 5 con đường: Nguyễn Thị Sốc, quốc lộ 22, đường số 4, đường số 3, đường số 12 dẫn đến tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, gây cản trở giao thông, không đảm bảo an toàn thực phẩm gây ra nhiều bức xúc cho thương nhân chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Qua chuyến kiểm tra, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho rằng, mặc dù UBND TP.HCM đã có những chỉ đạo rất quyết liệt, nhưng thực tế đều ghi nhận tình trạng các điểm, chợ tự phát bày bán, kinh doanh tại vỉa hè, cửa hàng “ăn theo” bán tại vỉa hè, nhà xung quanh các chợ đầu mối tồn tại từ lâu và nằm ngoài tầm kiểm soát của các đơn vị quản lý chợ. Đặc biệt, thực trạng này ngày càng nở rộ hơn từ sau dịch Covid-19, kéo theo nhiều hệ luỵ.
Theo bà Lan, hiện nay tại các chợ, tình hình đảm bảo an toàn thực phẩm ngày một cải thiện hơn, nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm được bảo đảm, các tiểu thương giữ uy tín, hàng hóa có thể truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, do đặc thù các loại rau củ quả, thịt cá rất khó phân biệt giữa nước này với nước khác, cảm quan mắt thường thường rất đẹp và bắt mắt, nên vẫn có tình trạng trà trộn hàng không rõ nguồn gốc. Vì vậy, hiện tại chợ đầu mối cũng đã có một số gian hàng tiến hành bao gói thực phẩm, gắn nhãn mác có nguồn gốc xuất xứ để tránh sự trà trộn.
"Người mua lầm chứ người bán không bao giờ lầm. Chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra kiểm soát từ các chợ đầu mối cho tới các chợ truyền thống về vấn đề ghi xuất xứ hàng hóa, test nhanh. Chỉ khi kiểm soát có bài bản, có kế hoạch, từ những đơn vị đầu mối xác xuất lấy mẫu kiểm nghiệm, kiểm tra nguồn gốc để sàng lọc mới bảo đảm chất lượng nông sản, thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng.
Dần dần các chợ đầu mối đang học tập mô hình kiểm soát của các siêu thị để tiến đến kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm. Đây cũng là mô hình quản lý hiện đại của các nước. TP.HCM vẫn duy trì mô hình chợ truyền thống, nhưng phải đảm bảo thực phẩm đi từ chợ đầu mối đến chợ truyền thống an toàn", bà Lan nói.