Để góp phần gỡ ‘thẻ vàng’ của Ủy ban châu Âu (EC), ngư dân Khánh Hòa đã nâng cao ý thức trong việc chấp hành các quy định pháp luật khi tham gia khai thác thủy sản trên biển. Điều này thấy rõ khi ngư dân ‘đi khai, về trình’, đặc biệt không xâm phạm vùng biển nước ngoài.
MC: Chào mừng quý vị và bà con quay trở lại với Nongnghiep TV. Thưa quý vị và bà con! Sau hơn 6 năm kể từ khi Uỷ ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với thuỷ sản Việt Nam, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Ngư dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã hiểu được tầm quan trọng của việc tháo gỡ thẻ vàng đối với ngành thuỷ sản của Việt Nam, đặc biệt là đối với ngư dân, nhân tố quan trọng nhất trong việc tháo gỡ thẻ vàng đã nhận thức rõ các hành vi được xác định là khai thác thuỷ sản bất hợp pháp được quy định trong Luật Thuỷ sản, từ đó thực hiện nghiêm các quy định.
Chúng tôi có mặt tại Văn phòng đại diện, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại Cảng cá Hòn Rớ tỉnh Khánh Hoà, chứng kiến nhiều chủ tàu, thuyền trưởng đang làm các thủ tục xuất, nhập bến theo quy định. Cũng như các tàu khác, Ngư dân Phạm Văn Quang, Thuyền trưởng tàu KH 95258TS, xã Phước Đồng, TP Nha Trang đã hoàn thành các thủ tục hồ sơ, giấy tờ và các trang thiết bị theo quy định trình ban quản lý cảng cá và trạm biên phòng để đủ điều kiện xuất bến.
Phỏng vấn: Ông Phạm Văn Quang, Thuyền trưởng tàu KH 95258TS, xã Phước Đồng, TP Nha Trang
Chúng tôi chấp hành theo pháp luật hết, giấy tờ, mọi thủ tục không thiếu gì hết. Đi ra cũng trình xuất biên phòng, cảng khi rời cảng cũng vậy, đi vào nhập cảng cũng đầy đủ, không thiếu thủ tục gì hết. Tàu của tôi từ năm 2015 đến bây giờ chưa bao giờ bị vi phạm vùng biển nước ngoài.
Không chỉ ngư dân Ngư dân Phạm Văn Quang mà hiện cộng đồng ngư dân Khánh Hoà không vi phạm khai thác tại vùng biển nước ngoài. Bởi hơn ai hết, họ là những người mong mỏi gỡ thẻ vàng của EC nhất, để doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản thuận lợi, giá cá thu mua ổn định, đời sống của bà con sẽ được nâng lên.
Phỏng vấn: Ông Trần Quốc Hòa, Chủ tàu KH 99234TS, xã Phước Đồng, TP Nha Trang
Ngư dân chúng tôi nghe theo Chính phủ, đi trình sổ, về nhập sổ, còn máy giám sát hành trình thì bật 24/24, không lấn chiếm vùng biển nước ngoài, chỉ hoạt động ở vùng biển Việt Nam. Cũng mong gỡ được thẻ vàng để cá lên giá để tăng thu nhập, dầu tăng hơn 20 nghìn đồng 1 lít, giá cá ngày càng hạ thì làm sao ngư dân làm ăn được.
Theo Ban quản lý Cảng cá Hòn Rớ, thời gian qua, bà con ngư dân Khánh Hòa đã nâng cao nhận thức về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp. Đối với Ban quản lý cũng như tàu thuyền ra vào cập cảng, phần lớn đã đi vào nề nếp, ổn định, chấp hành đúng các quy định về chống khai thác IUU.
Phỏng vấn: Ông Nguyễn Văn Ba, Trưởng Ban quản lý Cảng cá Hòn Rớ, TP Nha Trang
Theo ghi nhận của BQL Cảng cá Hòn Rớ thì trong thời gian vừa qua, đặc biệt khi các chỉ đạo của Ban chỉ đạo IUU của tỉnh cũng như chỉ đạo của các Sở, ban ngành thì ý thức của bà con ngư dân khi hoạt động tại Cảng cá Hòn Rớ được nâng cao rất rõ rệt. Đặc biệt bà con đã hình thành thói quen khi đi khai báo, khi về trình báo đầy đủ và nắm được cơ bản các quy định của Luật Thủy sản 2017. Song song với đó, BQL Cảng cá Hòn Rớ phối hợp với văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá, bộ đội biên phòng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bà con ngư dân nắm kĩ hơn, thực hiện tốt hơn các quy định của Luật Thủy sản 2017.
Để ngư dân nâng cao ý thức trong việc tuân thủ các quy định khi tham gia khai thác trên biển, tỉnh Khánh Hoà chú trọng công tác tuyên truyền sâu rộng cho cán bộ, công nhân viên liên quan và bà con ngư dân tham gia hoạt động khai thác thủy sản. Để từ đó mỗi cán bộ, công nhân viên là một tuyên truyền viên và mỗi ngư dân được tuyên truyền là cầu nối để phổ biến các quy định của pháp luật đến cộng đồng ngư dân.
Cũng như hỗ trợ ngư dân thực hiện đầy đủ các thủ tục theo đúng quy định pháp luật như khai báo trước 1 giờ, làm thủ tục xuất – nhập, nộp nhật ký khai thác trước khi bốc cá và các vấn đề về an toàn kỹ thuật, an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm…
Phỏng vấn: Ông Lê Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa
Với nhiều hình thức tuyên truyền, tập huấn về chống khai thác IUU và được thực hiện thường xuyên, liên tục nên bà con ngư dân tỉnh Khánh Hòa đã nhận thức được việc khi tham gia khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định là hành vi vi phạm pháp luật thủy sản Việt Nam. Các chủ tàu, thuyền trưởng đã tuân thủ nghiêm túc việc khai báo khi tàu rời cảng và cập cảng sau chuyển khai thác. Đồng thời, khi tham gia khai thác thủy sản trên biển luôn phải mở thiết bị giám sát hành trình VMS 24/24 nhằm giúp cho cơ quan quản lý nhà nước thực hiện theo dõi, giám sát và có cảnh báo sớm nếu tàu cá có nguy cơ vi phạm IUU một cách kịp thời.
MC: Quý vị và bà con thân mến! Thời gian qua hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm và ổn định đời sống cho cộng đồng ngư dân. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng với cộng đồng ngư dân đã đồng hành thực hiện tốt các quy định về chống khai thác bất hợp pháp (IUU) như: lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, duy trì kết nối, vận hành thiết bị theo quy định; Hoạt động đúng vùng được phép khai thác; Thực hiện khai báo xuất, nhập bến; Ghi, nộp nhật ký khai thác thuỷ sản và thực hiện khai báo sản lượng theo quy định và đặc biệt là nhận thức rõ việc không vi phạm vùng biển nước ngoài. Hy vọng rằng, thời gian tới, EC sẽ sớm gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam.
Phóng sự của Báo Nông nghiệp Việt Nam xin được khép lại tại đây. Cảm ơn và hẹn gặp lại quý vị và bà con trong các chương trình sau.