| Hotline: 0983.970.780

Gỡ 'thẻ vàng' IUU - Vì tương lai thủy sản Việt Nam: [Bài 3] Nhật ký khai thác điện tử vẫn ngổn ngang

Thứ Tư 24/04/2024 , 10:08 (GMT+7)

Hiện việc triển khai ghi nhật ký khai thác và truy xuất nguồn gốc điện tử vẫn còn ngổn ngang trăm mối. Bà Rịa - Vũng Tàu cần tăng tốc và thực hiện đồng bộ.

Vẫn chưa có sự thống nhất

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, việc ghi nhật ký khai thác điện tử mới đạt khoảng 50% số tàu cá, chất lượng còn nhiều sai sót, mang tính đối phó, hồi ký. Việc quản lý sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác cũng chưa tốt, còn nhiều lỗ hổng chưa được kiểm soát.

EC khuyến nghị Việt Nam khẩn trương triển khai hệ thống nhật ký khai thác và truy xuất nguồn gốc điện tử thống nhất, đồng bộ, liên thông và không được phép sửa đổi. Đồng thời, ủy ban này cũng yêu cầu các cảng cá phải cập nhật hàng ngày dữ liệu sản lượng thủy sản khai thác.

Cán bộ Bộ đội biên phòng Bến Đầm (huyện Côn Đảo) đang thực hiện kiểm tra việc lắp thiết bị và nhật ký khai thác điện tử của tàu cá trước khi xuất cảng. Ảnh: Lê Bình.

Cán bộ Bộ đội biên phòng Bến Đầm (huyện Côn Đảo) đang thực hiện kiểm tra việc lắp thiết bị và nhật ký khai thác điện tử của tàu cá trước khi xuất cảng. Ảnh: Lê Bình.

Tuy nhiên 6 tháng qua, việc triển khai công tác này tại Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn còn rất chậm và gặp nhiều “điểm nghẽn”. Hầu như các địa phương chưa thực hiện hoặc chỉ triển khai thí điểm ở một số lượng tàu cá nhất định.

Ông Nguyễn Bi, Trưởng Phòng Quản lý khai thác và Phát triển nguồn lợi thủy sản, Chi cục Thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, hiện tỉnh có 2 doanh nghiệp cung cấp phần mềm nhật ký khai thác điện tử là Công ty Hiệp lực phát triển Việt (TP Vũng Tàu) và Công ty Cổ phần Thiết bị điện hàng hải - MECOM (TP.HCM).

Mỗi doanh nghiệp đang thực hiện thí điểm áp dụng nhật ký điện tử cho khoảng hơn 10 tàu cá/doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và mỗi đơn vị làm một kiểu. Công ty Hiệp lực phát triển Việt triển khai việc ghi nhật ký khai thác trên app điện thoại, còn MECOM thì cho ngư dân nhập số liệu trên thiết bị. Khi kết thúc chuyến biển về cảng, thuyền trưởng sẽ in bản nhật ký khai thác điện tử nộp cho cảng cá (hoặc nhân viên cảng cá in giúp).

Tuy nhiên các phần mềm này vẫn chưa được các cảng cá chấp nhận thay thế cho bản nhật ký khai thác ghi tay hiện nay vì chưa được tích hợp vào hệ thống nghề cá quốc gia. Chính vì thế việc ghi nhật ký khai thác điện tử chỉ mới dừng ở việc thí điểm, “ghi cho vui” - theo lời 1 chủ tàu cá.

Trong khi đó, vào cuối tháng 2 vừa qua, Cục Thủy sản đã triển khai tập huấn cho các cảng cá, Chi cục Thủy sản, Đồn Biên phòng,… trên cả nước hệ thống phần mềm Nhật ký khai thác và truy xuất nguồn gốc điện tử - eCDT VN.

Ông Trương Văn Sanh, Phó Giám đốc Cảng cá Cát Lở (TP Vũng Tàu) cho biết, sau khi Cục Thủy sản tập huấn, cảng Cát Lở đã áp dụng hệ thống phần mềm eCDT VN vào trong hoạt động của cảng hàng ngày từ tháng 3/2024.

Theo đó, mọi hoạt động của tàu cá khi xuất, cập bến, ghi nhật ký khai thác, khai báo, xác nhận sản lượng hải sản khai thác, truy xuất nguồn gốc,… đều được số hóa, minh bạch, rõ ràng thông qua phần mềm này. Ngư dân có thể ngồi nhà, trên thuyền hoặc bất cứ đâu khai báo, đăng ký ra - vào cảng trực tiếp trên điện thoại thông qua app eCDT VN. Cảng và Đồn Biên phòng sẽ duyệt hồ sơ trên phần mềm này, nếu thỏa các điều kiện sẽ cho tàu xuất hoặc cập bến.

Tất cả tàu thuyền đều phải gắn thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: Lê Bình.

Tất cả tàu thuyền đều phải gắn thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: Lê Bình.

Việc ghi nhật ký khai thác điện tử cũng được thực hiện trên app điện thoại. Nếu ghi tay, thuyền trưởng sẽ chụp hình bản ghi tay và gửi lên hệ thống phần mềm eCDT VN.

Tại bờ, sau khi cập cảng, nhân viên cảng cá và văn phòng đại diện nghề cá sẽ kiểm tra hoạt động bốc dỡ, nhập số lượng hải sản bốc dỡ của tàu cá đó trên phần mềm và xác nhận nguồn gốc số hải sản đó cho chủ tàu khi có nhu cầu. Chi cục Thủy sản cũng sẽ làm các thủ tục cấp chứng nhận truy xuất nguồn gốc cho các lô hàng thủy sản xuất khẩu qua EU trên phần mềm.

“Tuy nhiên, việc triển khai cho ngư dân hiện nay còn bị bất cập khi eCDT VN chỉ dùng được cho điện thoại dùng phần mềm Android, còn phần mềm iOS (điện thoại Iphone) bị lỗi, không dùng được”, ông Nguyễn Bi cho biết.

Sẽ triển khai tăng tốc và đồng bộ

Bên cạnh đó, việc triển khai cho ngư dân, thuyền trưởng tàu cá ghi nhật ký khai thác điện tử vẫn còn rất chậm, khi mà ngư dân chưa quen với việc dùng công nghệ số, nhập dữ liệu lên app điện thoại.

Theo nhiều ngư dân, nhật ký khai thác thủy sản bằng giấy khi thực hiện trong điều kiện sóng to, gió lớn gặp không ít khó khăn. Trong khi đó sử dụng nhật ký điện tử thì rất đơn giản mà hiệu quả. Mỗi lần thả lưới, ngư dân chỉ cần bấm vào phần mềm được cài đặt sẵn, hệ thống sẽ tự động cập nhật thông tin về tọa độ, vị trí tàu, loại cá.

Ông Nguyễn Trung Khương (áo kẻ), thuyền trưởng tàu cá BV 95807 TS (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) thực hiện thao tác ghi nhật ký khai thác điện tử trong một buổi tập huấn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức. Ảnh: NM.

Ông Nguyễn Trung Khương (áo kẻ), thuyền trưởng tàu cá BV 95807 TS (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) thực hiện thao tác ghi nhật ký khai thác điện tử trong một buổi tập huấn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức. Ảnh: NM.

Ông Ngô Văn Cư, thuyền trưởng tàu BV 94666 TS (cảng Incomap, TP Vũng Tàu) cho biết, ông thực hiện ghi nhật ký khai thác điện tử qua app điện thoại hơn 1 năm nay. Tuy khó tiếp cận và phức tạp hơn so với việc ghi tay do hạn chế về sử dụng công nghệ nhưng được ngư dân đánh giá là nhàn, thuận tiện hơn. “Bây giờ mình tới một vị trí nào đó mình neo đậu chuẩn bị, tới giờ mình thả lưới thì chỉ cần khai báo là được. Chỉ cần bấm vào mấy nút này là nó hiển thị đầy đủ kinh độ, vĩ độ mà không sợ sai”, ông Cư nói.

Còn ngư dân Nguyễn Văn Trực, chủ tàu cá BV 6864 TS (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) cho biết, tàu ông áp dụng nhật ký khai thác điện tử từ năm ngoái và được Cảng cá Bình Châu hỗ trợ in ra khi cập cảng bốc dỡ hải sản. Việc ghi nhật ký điện tử cũng giúp ông tiết kiệm khá nhiều thời gian và tuân thủ đúng quy định trước khi xuất bến và vào bờ.

"Mọi thông tin đã có sẵn trong điện thoại rồi, chỉ cần ấn và thực hiện đúng thời gian là được. Gió to, sóng lớn mình cũng không sợ. Chỉ cần ghi đúng giờ và sóng điện thoại ổn định là mình khỏe lắm", ông Trực bày tỏ.

Hệ thống nhật ký khai thác điện tử khi được ứng dụng rộng rãi sẽ tạo thuận lợi rất nhiều cho các bên liên quan như cơ quan quản lý nghề cá, ngư dân, doanh nghiệp trong việc truy xuất nguồn gốc thủy sản, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu. Tuy nhiên, thuận lợi là vậy nhưng hiện nay hầu hết cảng cá tại Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn chưa thể triển khai đồng bộ vì nhiều lí do.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cũng đã nhắc nhở Sở NN-PTNT tỉnh trong việc chậm triển khai cho ngư dân ghi nhật ký khai thác điện tử. Việc truy xuất nguồn gốc hải sản qua phần mềm eCDT VN tuy đã triển khai ở các cảng cá trên địa bàn tỉnh nhưng đến thời điểm này vẫn mới chỉ có cảng Cát Lở hiển thị trên phần mềm có tàu cá ra, vào cảng, còn các cảng khác là "trống không".

Thấu hiểu khó khăn của địa phương khi thực hiện ghi nhật ký khai thác điện tử, nhưng “khó cũng phải làm và làm bằng được” - theo lời của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến. Bộ NN-PTNT cũng sẽ có những hướng dẫn cụ thể hơn nữa, đồng hành để Bà Rịa - Vũng Tàu sớm có thể triển khai tăng tốc và đồng bộ tại các cảng, tàu thuyền.

Nhân viên Cảng cá Tân Phước (huyện Long Điền) kiểm tra nhật ký khai thác chủ tàu vừa nộp có khớp với tọa độ trên hệ thống giám sát hành trình tàu cá quốc gia. Ảnh: NM.

Nhân viên Cảng cá Tân Phước (huyện Long Điền) kiểm tra nhật ký khai thác chủ tàu vừa nộp có khớp với tọa độ trên hệ thống giám sát hành trình tàu cá quốc gia. Ảnh: NM.

Theo ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản, Cục cũng đã đề nghị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tăng cường chỉ đạo và bố trí nguồn lực thực hiện eCDT, như trang bị thiết bị di động sử dụng hệ điều hành Android tại các cảng, đồn/trạm biên phòng để hỗ trợ ngư dân và doanh nghiệp thực hiện.

Cục sẵn sàng đến các địa phương có nhu cầu để tiếp tục tập huấn, hướng dẫn cho ngư dân và các cơ quan chức năng liên quan như cảng cá, Đồn Biên phòng, Chi cục Thủy sản việc triển khai ghi nhật ký khai thác và truy xuất nguồn gốc điện tử.

Liên quan đến việc điện thoại sử dụng phần mềm iOS không vào được hệ thống eCDT VN, ông Luân cho biết Cục đang yêu cầu bộ phận kỹ thuật khẩn trương khắc phục lỗi này.

"Chậm nhất trong tháng 4 này, việc áp dụng nhật ký khai thác điện tử và truy xuất nguồn gốc sẽ được áp dụng mạnh mẽ trên cả nước, chấm dứt giai đoạn thí điểm. Trong quá trình thực hiện, có phát sinh vấn đề gì thì Cục và các địa phương sẽ chủ động, phối hợp tháo gỡ. Riêng các nhà cung cấp nhật ký khai thác điện tử, để tích hợp vào hệ thống phần mềm quốc gia, có thể đăng ký với Cục Thủy sản như hệ thống máy giám sát hành trình", ông Luân thông tin.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng chỉ đạo Sở NN-PTNT, các cảng cá và đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện việc triển khai ghi nhật ký khai thác điện tử, khó cũng phải làm. Đây được coi như nhiệm vụ trọng tâm trước khi đón đoàn EC sang kiểm tra tới đây.

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.