Vải thiều Việt Nam lần đầu xuất khẩu chính ngạch sang Thái Lan. ‘Cuộc chiến’ giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội và người chăn nuôi. Thủ tướng đồng ý chủ trương vay 2,53 tỷ USD cho 16 dự án vùng ĐBSCL. Logistics - rào cản lớn trong xuất khẩu rau quả.
Vải thiều Việt Nam lần đầu xuất khẩu chính ngạch sang Thái Lan
Cung cấp thông tin cho báo chí chiều ngày 8/7, đại diện Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, lôvải thiều Việt Nam tươi từ Bắc Giang đã xuất khẩu chính ngạch vào Thái Lan. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vải thiều Bắc Giang và đưa vào một hệ thống siêu thị lớn tại Thái Lan. Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cho biết rằng việc vải thiều Bắc Giang có mặt tại chuỗi trung tâm thương mại The Mall, Thái Lan là minh chứng cho sự tin tưởng của doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước này. Dự kiến trong năm 2024, doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều Việt Nam tươi sẽ xuất khẩu khoảng 1.000 - 2.000 tấn vải thiều sang thị trường Thái Lan. Điều này sẽ đóng góp đáng kể vào tăng trưởng và phát triển của ngành nông nghiệp và xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
‘Cuộc chiến’ giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội và người chăn nuôi
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết, từ năm 2022 đến nay, giá thành sản xuất gà ta và gà ta lai khoảng 58 nghìn đồng một kilogam, trong khi giá bán chỉ được 50 – 52 nghìn đồng một kilogam. Đây là bất cập. Hiện hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm vẫn phụ thuộc quá lớn vào thương lái. Người chăn nuôi thì bị thương lái ép giá, bán dưới giá thành nhưng qua các khâu: Vận chuyển, giết mổ, bán lẻ... giá bị đẩy lên cao, thậm chí gấp 2-3 lần. Cũng theo ông Nguyễn Thanh Sơn, nghịch lý nữa là những hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ, trang trại chăn nuôi của người Việt đang dần bị loại khỏi “cuộc chơi” trong khi quy mô, số trang trại chăn nuôi của doanh nghiệp FDI lại ngày càng phát triển. Hiện có một “cuộc chiến” giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội và người chăn nuôi. Vì vậy, Chính phủ cần có chính sách đặc thù để hỗ trợ nhóm yếu thế này, nhất là đối với các nông hộ như nhiều nước vẫn làm.
THỦ TƯỚNG ĐỒNG Ý CHỦ TRƯƠNG VAY 2,53 TỶ USD CHO 16 DỰ ÁN VÙNG ĐBSCL
Tại “Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án đường cao tốc và triển khai vốn ODA vùng ĐBSCL” tổ chức tại TP. Cần Thơ vào chiều ngày 8/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý chủ trương vay vốn ODA từ 6 đối tác phát triển đã có cam kết (gồm Ngân hàng phát triển Châu Á, Cơ quan Phát triển Pháp, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc, Ngân hàng Tái thiết Đức, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản và Ngân hàng Thế giới), với mức vốn 2,53 tỷ USD cho 16 dự án phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng ĐBSCL để thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đồng ý áp dụng cơ chế cấp phát 90% vốn cho các dự án này.
Logistics – rào cản lớn trong xuất khẩu rau quả
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ngành hàng rau quả hiện còn nhiều trở ngại trong xuất khẩu, nhất là đi đến các thị trường khó tính ở khoảng cách xa, khoảng cách địa lý xa; tổn thất sau thu hoạch từ 30 - 35%, dẫn đến thiệt hại về kinh tế, giảm giá trị và khó cạnh tranh trên thương trường. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Vina T&T Group chia sẻ: "Với trái thanh long, muốn đến thị trường Mỹ, phải đảm bảo thời hạn bảo quản 35 ngày, bao gồm cả thời gian lên kệ. Thế nhưng, qua khâu chiếu xạ, chất lượng cao nhất của trái thanh long chỉ còn 27 ngày. Vì vậy, loại quả này chỉ mới xuất hiện tại bang California, chưa thể lên kệ tại New York của Mỹ. Còn với trái vú sữa, sau khi chiếu xạ, chất lượng cao nhất chỉ còn 10 ngày. Vì vậy, trái vú sữa muốn đến thị trường Mỹ chỉ có thể đi bằng đường hàng không chi phí cao".