Nhãn chín sớm Sơn La có giá 50.000 đồng/kg. Mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc trên giá thể đầu tiên tại Hà Nội. Quảng Bình phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. EU phản đối hoãn luật chống phá rừng.
Năm nay, trong giai đoạn phân hóa mầm hoa của cây nhãn ở Sơn La gặp thời tiết nắng nóng, gió Lào khiến nhiều diện tích không đậu quả. Theo báo cáo sơ bộ của ngành nông nghiệp Sơn La, sản lượng nhãn của tỉnh năm nay giảm khoảng 35%.
Ghi nhận tại huyện Sông Mã, thủ phủ nhãn của Sơn La với gần 7.600 ha chủ yếu là giống nhãn chín sớm T6 và nhãn miền thiết. Mặc dù sản lượng không được như mong muốn nhưng bà con cũng phấn khởi bởi giá bán nhãn chín sớm cao hơn so với mọi năm. Giá thu mua tại vườn có thời điểm đạt 45.000 - 50.000 đồng/kg, trong khi năm ngoái giá chỉ xấp xỉ 20.000 đồng/kg. Việc áp dụng kỹ thuật trồng nhãn chín sớm, rải vụ ở Sông Mã đang là hướng đi hiệu quả, giúp nông dân không còn phải lo lắng về tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” như trước đây.
Mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc trên giá thể đầu tiên tại Hà Nội
Thảo Phương sx
Những ngày này, tại trang trại Smart farm ( xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội) đang vào mùa thu hoạch dưa lê Hàn Quốc. Đây là mô hình dưa lê trồng trên giá thể trong nhà kính đầu tiên của Hà Nội. Ưu điểm của mô hình này là tận dụng tối đa dinh dưỡng trong giá thể và đảm bảo nhiệt độ cần thiết tạo điều kiện tốt nhất cho sự sinh trưởng của cây dưa.
Theo anh Nguyễn Văn An, kĩ thuật viên tại Smart Farm, cây dưa lê Hàn Quốc một năm trồng được một vụ, bắt đầu từ tháng 3 và thu hoạch vào tháng 7 hằng năm. Thời kì sinh trưởng của cây khó khăn nhất là khâu thụ phấn, phải thụ phấn bằng tay và thường xuyên cắt tỉa lá để chất dinh dưỡng ở cây tập trung vào phần quả.
Quả dưa lê vàng Hàn Quốc khi chín dài khoảng 10cm, thường có trọng lượng khoảng 0,4-0,5kg. Với diện tích 0,7ha nhà kính, một vụ trang trại Smart farm cho thu hoạch được 3-4 tấn dưa Với giá bán trung bình 70.000đ/kg, cho doanh thu trung bình 250.000 triệu đồng.
Quảng Bình phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng
Tâm Phùng- Tâm Đức sx
Quảng Bình có lợi thế phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, từ đó đa dạng hoá kinh tế nông thôn, thông qua phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp.
Trên địa bàn tỉnh có các hệ thống hang động nổi tiếng, bờ biển dài 116km, hệ thống rừng núi hùng vĩ. Hơn 40 điểm, khu, sản phẩm du lịch được nhiều du khách trong nước và quốc tế lựa chọn, trong đó có nhiều sản phẩm gắn liền với khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong khuôn khổ Hội thảo phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng nhằm định hướng phát triển bền vững, tái cơ cấu các sản phẩm du lịch, khai thác tối ưu các lợi thế của địa phương diễn ra vào ngày 6.7, Quảng bình đã trưng bày, giới thiệu hơn 100 sản phẩm nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP gắn liền với du lịch
EU phản đối hoãn luật chống phá rừng
Minh Phúc sx
Có hiệu lực từ ngày 30-12-2024, Luật chống phá rừng của EU yêu cầu các công ty xuất khẩu đậu nành, thịt bò, cà phê, dầu cọ và nhiều loại sản phẩm khác vào thị trường khối này phải chứng minh chuỗi cung ứng của họ không góp phần phá hủy rừng. Tương tự, các công ty EU sẽ bị cấm xuất khẩu toàn bộ sản phẩm được trồng trên đất bị phá rừng.
Các Bộ trưởng Nông nghiệp từ phần lớn các quốc gia EU cũng đã kêu gọi hoãn luật, với lý do sẽ gây hại cho nông dân châu Âu. Tuy nhiên, cho đến nay, EU vẫn phản đối những lời kêu gọi trì hoãn luật được đánh giá là cần thiết để đưa những cam kết tự nguyện trong ngăn chặn nạn phá rừng thành hành động thực tiễn.