Nhập khẩu 119.000 tấn đường theo phương thức đấu giá. Sơn La phấn đấu đến năm 2025 vùng chanh leo đạt khoảng 5.000 ha. Quảng Bình trồng mới gần 6.400 ha rừng. Xuất khẩu gạo thiết lập kỷ lục mới.
NHẬP KHẨU 119.000 TẤN ĐƯỜNG THEO PHƯƠNG THỨC ĐẤU GIÁ
Khai thác
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 2575 về lượng và phương thức phân giao hạn ngạch nhập khẩu đườngnăm 2023 và Quyết định số 2576 về việc thành lập Hội đồng phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2023 theo phương thức đấu giá. Theo đó, năm 2023, lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường (mã HS 17.01) phân giao theo phương thức đấu giá là 119.000 tấn.Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan thống nhất thời điểm tổ chức Phiên phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2023 theo phương thức đấu giá. Qua đó, công bố công khai để các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có liên quan biết và thực hiện.
SƠN LA PHẤN ĐẤU ĐẾN NĂM 2025 VÙNG CHANH LEO ĐẠT KHOẢNG 5.000 HA
Khai thácToàn tỉnh Sơn La hiện có trên 750 ha chanh leo, trong đó có hơn 710 ha cho sản phẩm, sản lượng trên 67.200 tấn quả/năm. Chanh leo chủ yếu được trồng tại các huyện: Mai Sơn, Thuận Châu, Mộc Châu, Phù Yên, tiêu thụ chủ yếu tại thị trường nội địa và chưa có trong danh mục xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Hiện, ngành nông nghiệp đã tham mưu với UBND tỉnh phát triển cây chanh leo theo vùng. Đồng thời, đề xuất lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng các chuỗi sản xuất liên kết khép kín từ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX tạo thành vùng sản xuất an toàn, đảm bảo các yêu cầu mã số; phấn đấu đến năm 2025 vùng nguyên liệu chanh leo trên địa bàn tỉnh đạt từ 4.000 - 5.000 ha. Đến nay, Sơn La đã xây dựng được 4 mã số vùng trồng chanh leo với diện tích 66,5 ha.
QUẢNG BÌNH TRỒNG MỚI GẦN 6.400 HA RỪNG
Tâm Phùng - Sản xuất
Từ đầu năm đến nay, các địa phương tại tỉnh Quảng Bình tiếp tục đẩy mạnh việc khai thác và tiêu thụ gỗ rừng trồng. Theo đó, rừng trồng chủ yếu là keo, tràm đã được đưa vào khai thác đúng với chu kỳ và quy trình. Hiện, toàn tỉnh khai thác được gần 7.000 ha rừng trồng với khối lượng gần 500.000 m3. Diện tích rừng trồng được khai thác tăng gần 1.100 ha, sản lượng tăng gần 54.000 m3 gỗ so với năm 2022.Cùng với việc khai thác, các địa phương, đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp đã trồng mới gần 6.400 ha rừng, tăng gần 1.000 ha so với năm ngoái, nâng tổng diện tích rừng trồng lên 121.000 ha.
XUẤT KHẨU GẠO THIẾT LẬP KỶ LỤC MỚI
Kim ngạch xuất khẩu gạo trong 9 tháng đã đạt 3,66 tỷ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm 2022. Con số này đã vượt giá trị xuất khẩu gạo cao nhất từng đạt được năm 2011 là 3,65 tỷ USD. Điểm đáng chú ý là đạt được giá trị xuất khẩu 3,66 tỷ USD mà khối lượng gạo xuất khẩu chỉ 6,6 triệu tấn, trong khi năm 2011, để đạt được 3,65 tỷ USD thì cần tới 7,1 triệu tấn gạo. Theo nhận định của các chuyên gia, xuất khẩu gạo đạt giá trị cao là do giá gạo xuất khẩu bình quân từ đầu năm đến nay luôn ở mức cao, đạt 553 USD/tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, có thời điểm giá gạo Việt Nam xuất khẩu lên đến gần 650 USD/tấn.