Người miền Tây ra đồng 'hái lộc' từ thủy sản mùa lũ. Nông dân hào hứng trồng mướp đắng canh tác tự nhiên. Tuyên Quang mở rộng vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Cắt nước kênh Tây để sửa chữa hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng.
Người miền Tây ra đồng “hái lộc” từ thủy sản mùa lũ
Văn Vũ sx
Tại vùng đầu nguồn tỉnh An Giang, nước đã tràn ngập những cánh đồng hơn nửa tháng nay. Mưa lớn nhiều ngày nên mực nước lên cao, cá về nhiều. Những người dân sông bằng nghề đánh bắt thủy sản có thêm thu nhập theo dòng nước mùa lũ.
Ông Trần Văn On, xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang cho biết, gần 2-3 năm nay, mùa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long về rất ít, thậm chí có năm không về. Năm nay, mực nước ở vùng đầu nguồn đang có chuyển biến tích cực, nước về nhiều, kéo theo đó, sản vật về theo cũng rất phong phú khiến cho bà con nông dân hết sức phấn khởi. Hàng ngày trên cánh đồng thị xã Tân Châu có khoảng vài trăm chiếc ghe lớn, nhỏ của người dân tập trung đánh bắt thủy sản. Nước lũ về không những giúp bà con có thêm thu nhập, mà đây còn là cơ hội để đồng ruộng được nghỉ ngơi, tẩy rửa phèn, độc tố thuốc trừ sâu, tiêu diệt các loại ký sinh gây bệnh và quan trọng nhất là đồng ruộng có được một lượng lớn phù sa màu mỡ sau khi nước rút.
Nông dân hào hứng trồng mướp đắng canh tác tự nhiên
Võ Dũng sx
Vụ hè thu 2023, 70 hộ dân thôn Đông Dương, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị được Ban Quản lý Dự án “Hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển” (FMCR) hỗ trợ triển khai mô hình trồng mướp đắng canh tác tự nhiên với quy mô 10 ha.
Mô hình canh tác này dựa vào nguồn lực có sẵn trong tự nhiên thay cho việc thâm canh dựa vào hóa chất; tạo ra sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ đất, nguồn nước, làm nền tảng căn bản cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Mặc dù đây là vụ đầu tiên bà con sản xuất theo phương thức này, năng suất thấp hơn canh tác thông thường 5- 6 tạ/ha nhưng chi phí đầu tư thấp hơn 20 – 21%, giá bán cao hơn 1.000đ/kg nên lợi nhuận cao hơn 20 - 21 triệu đồng/ha.
Tuyên Quang mở rộng vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Đào Thanh
Những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và người nông dân xây dựng thành công các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Trong đó đã tư vấn cho 4 nhóm với 15 hộ sản xuất cam hữu cơ tại huyện Hàm Yên với quy mô 22,6 ha; thực hiện chuyển đổi diện tích bưởi sang canh tác hữu cơ tại xã Bình Xa, huyện Hàm Yên, quy mô 9,9 ha; triển khai 6,2 ha lúa hữu cơ năng suất bình quân đạt trên 65 tạ/ha tại huyện Lâm Bình…
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng thảo luận về các vấn đề như việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; những khó khăn tồn tại trong canh tác, tiêu thụ và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại các địa phương…
Cắt nước kênh Tây để sửa chữa hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng
Trần Trung – tin sản xuất
Nhằm sửa chữa nâng cấp hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng giai đoạn 2 đã Bộ NN-PTNT phê duyệt do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam chủ đầu tư. Để hoàn thành dự án theo tiến độ, do khối lượng công việc dự án khá lớn, cần thời gian thi công tối thiểu 90 ngày mới đủ thời gian bảo đảm chất lượng theo qui định, công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam sẽ cắt nước kênh Tây. Cụ thể, sẽ cắt nước tại cống điều tiết K11+500 90 ngày từ 5/10/2023 đến 10/1/2024.
Ông Trần Quang Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty khai thác thuỷ lợi Miền Nam cho biết, để tránh thiệt hại sản xuất, công ty đã có giải pháp cấp nước thô cho Công ty Cổ phần cấp nước Tây Ninh là 24.000 m3/ngày đêm.