Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nghi bị ‘rút ruột’ hồ tiêu, cà phê tại cảng. Sản lượng nuôi trồng thủy sản lần đầu tiên vượt sản lượng đánh bắt. Giá lúa, gạo đồng loạt giảm. Thúc đẩy xuất khẩu nông sản mùa vụ.
Tin 1 - Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nghi bị ‘rút ruột’ hồ tiêu, cà phê tại cảng
Quang Linh khai thác
Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam - VPSA vừa phát cảnh báo về tình trạng một số doanh nghiệp phản ánh bị mất một phần khối lượng hàng hóa xuất khẩu trong thời gian container hạ bãi chờ chuyển lên tàu.
Cụ thể, một số nhà nhập khẩu phát hiện hồ tiêu bị thiếu hụt so với số lượng ký hợp đồng thực tế, trong khi khối lượng container bao gồm hàng hóa bên trong được cân tại cảng đều thể hiện đủ khối lượng tại thời điểm hạ cảng.
Bà Hoàng Thị Liên, chủ tịch VPSA, cho biết hiện đã ghi nhận được 5 - 6 trường hợp doanh nghiệp thông tin là mất hàng, trong đó phần lớn quan điểm doanh nghiệp là nghi ngờ hàng mất trong khoảng thời gian container được hạ bãi đến lúc chuyển lên tàu.
VPSA đề nghị các doanh nghiệp có hiện tượng mất hàng hóa xuất khẩu cung cấp thông tin để hiệp hội tổng hợp và báo cáo các cơ quan bộ, ngành xem xét, đồng thời kiến nghị với các cơ quan chức năng làm việc với các cảng vụ.
Tin 2 - Sản lượng nuôi trồng thủy sản lần đầu tiên vượt sản lượng đánh bắt
Quang Linh khai thác
Trong báo cáo công bố mới đây, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc - FAO cho biết sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản trên toàn cầu đã tăng kỷ lục và lần đầu tiên vượt sản lượng khai thác đánh bắt.
Giám đốc Cơ quan Nông nghiệp và Ngư nghiệp thuộc FAO, ông Manuel Barange, nhận định đây là kết quả tích cực khi sản lượng thủy sản tiếp tục gia tăng mà không gây ảnh hưởng đến môi trường biển.
nuôi trồng thủy sản trở thành một “công cụ hiệu quả” để chống đói nghèo, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững. Tuy nhiên, dù sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng vọt, sản lượng đánh bắt vẫn là nguồn thủy sản thiết yếu.
Theo FAO, sản lượng thủy sản dự kiến sẽ tăng 10% đến năm 2032, đạt 205 triệu tấn, nhờ mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản và khôi phục nghề đánh bắt.
Tin 3 - Giá lúa, gạo đồng loạt giảm
Quang Linh khai thác
Trong bối cảnh các địa phương đang tích cực vào vụ thu hoạch lúa vụ Hè Thu. Giá lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua ghi nhận mức giảm nhẹ.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa thường tại ruộng tuần qua cao nhất là 7.125 đồng/kg, giá bình quân là 7.089 đồng/kg, giảm 43 đồng/kg.
Giá các mặt hàng gạo cũng có sự điều chỉnh giảm. Theo đó, gạo 5% tấm có giá cao nhất 13.950 đồng/kg, giá bình quân 13.521 đồng/kg, giảm 164 đồng/kg. Gạo 15% và 25% cũng nối tiếp đà giảm của gạo 5% tấm.
Cùng với giá lúa gạo trong nước, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm trong tuần này, trước sức ép từ nguồn cung tăng khi vụ thu hoạch đang diễn ra. Trong khi đó, giá gạo của Ấn Độ tăng do nguồn cung giảm và nhu cầu từ các nhà nhập khẩu tăng lên.
Tin 4 - Thúc đẩy xuất khẩu nông sản mùa vụ
Quang Linh khai thác
Hiện nay, nhiều nhóm mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng của Việt Nam đang và sắp vào vụ thu hoạch chính như vải, thanh long, chôm chôm, nhãn… Do sản lượng lớn mà thời gian thu hoạch lại ngắn, không ít mặt hàng gặp phải trở ngại nhất định về tiêu thụ.
Đối với mặt hàng vải, ngay từ đầu năm, được sự hỗ trợ của các cơ quan xúc tiến thương mại, tỉnh Bắc Giang đã đẩy mạnh việc trao đổi, thúc đẩy hợp tác với nhiều đối tác như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản.
Đến nay trên địa bàn tỉnh, việc thu hoạch, tiêu thụ đang bắt đầu diễn ra rất sôi động; giá bán vải thiều dao động từ 25.000 đến 70.000 đồng/kg.