Nhiều tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 làm ăn thua lỗ. Tây Nguyên và Nam bộ có 114 điểm nguy cơ cháy rừng cực kỳ nguy hiểm. Đảm bảo nguồn nước ngọt trước đợt cao điểm xâm nhập mặn tại ĐBSCL. Nghề chở lúa thuê thu nhập tiền triệu mỗi ngày.
Nhiều tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 làm ăn thua lỗ
Quốc Toản - Sản xuất
Tỉnh Thanh Hóa có 58 tàu cá đóng mới theo Nghị 67 của Chính phủ, trong đó có 17 tàu dịch vụ hậu cần và 41 tàu khai thác. Sau 8 năm hoạt động, có 40 tàu thường xuyên hoạt động thua lỗ, không thực hiện trả nợ vốn vay cho ngân hàng. Trước tình trạng này, ngân hàng đã khởi kiện và bán đấu giá nhiều tàu cá để thu hồi vốn. Hiện, Thanh Hóa còn 18 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 đang hoạt động.
Theo Chi Cục thủy sản Thanh Hóa, số tàu cá đóng mới theo nghị định 67 bị ngân hàng khởi kiện và phát mại tài sản có nguyên nhân sâu xa từ việc ngư trường khai thác bị thu hẹp, chi phí vận hành tăng cao, nguồn lợi thủy sản suy giảm dẫn đến tình trạng khai thác thủy sản không đạt kỳ vọng. Các tàu này hầu hết thua lỗ và không có khả năng trả nợ.
Tây Nguyên và Nam bộ có 114 điểm nguy cơ cháy rừng cực kỳ nguy hiểm
Lê Bình - Sản xuất
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ đang vào mùa rừng cây thay lá, lớp thực bì khô c khiến nhiều cánh rừng có nguy cơ cháy rất cao. Theo Cục Kiểm lâm, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ hiện có 114 điểm có nguy cơ cháy rừng cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm và 120 điểm cảnh báo cháy rừng cấp 4 - cấp nguy hiểm.
Dự báo thời tiết nắng khô sẽ còn kéo dài ít nhất 10 ngày tới. Độ ẩm thấp nhất chỉ khoảng 30 - 50%, nhiệt độ cũng cao nhất là Nam bộ với nhiều nơi nắng nóng 35 - 37 độ C. Do đó, Cục Kiểm lâm khuyến cáo người dân cần dừng các hoạt động như đốt ong lấy mật, đốt nương rẫy. Khách du lịch không sử dụng lửa tại các địa điểm gần và trong rừng.
Đảm bảo nguồn nước ngọt trước đợt cao điểm xâm nhập mặn tại ĐBSCL
Khai thác
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, từ ngày 10 đến 15/3, có khả năng xảy ra đợt cao điểm về xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt tại nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng.
Trước tình hình này, Thủ tướng đã ký Công điện yêu cầu các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Y tế, Quốc phòng, Công an và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tổ chức theo dõi sát tình hình, triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Theo đó, lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL chủ động bố trí nguồn lực, huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ, triển khai ngay các biện pháp cần thiết phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương nhằm bảo đảm nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, kiên quyết không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt hoặc phải sử dụng nước sinh hoạt không bảo đảm chất lượng.
Đồng thời, tổ chức theo dõi chặt chẽ, nắm bắt đầy đủ, kịp thời thông tin về tình hình thiếu nước, xâm nhập mặn tại từng khu vực để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, theo chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nghề chở lúa thuê thu nhập tiền triệu mỗi ngày
Văn Vũ - Sản xuất
Hiện đang bước vào cao điểm thu hoạch lúa đông xuân tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, do đang là mùa khô nên các tuyến kênh tại đây đã cạn khô, ghe không thể vào vận chuyển lúa ra điểm tập kết. Để ứng phó, nhiều thương lái đã thuê nông dân có xe gắn máy chở và vận chuyển lúa từ trên bờ xuống ghe, mỗi tấn lúa được thương lái trả từ 200 đến 500.000 đồng tùy đoạn đường gần hay xa.
Bình thường mỗi nhóm tải lúa có thể vận chuyển trên dưới 20 tấn /ngày. Đây là công việc mang tính chất thời vụ nên đa số người làm là nông dân địa phương. Sau khi trừ các chi phí, mỗi lao động có thể thu 400 đến 500.000 đồng/ngày, tùy nguồn hàng nhiều hay ít. Khi vào cao điểm người tải lúa còn làm cả ban đêm, mỗi người có thể thu được khoảng 1 triệu đồng/ngày.