Nông sản giúp Việt Nam xuất siêu cao nhất 10 năm. Sụt lún đất gây thiệt hại hơn 13 tỷ đồng. Hơn 7.600 cây dừa bị sâu đầu đen tấn công. Cà Mau cần 31.000 tỷ đồng phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông.
Đón sóng phục hồi, hai tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt gần 114 tỷ USD, tăng xấp xỉ 19% so với cùng kỳ 2023. Đáng chú ý, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu của Việt Nam đạt trên 4,7 tỷ USD, cao nhất cùng thời điểm từ năm 2014 đến nay.
Những nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gỗ, dệt may, da giày, sắt thép, điện tử, thủy sản, rau quả, gạo, cà phê... cũng đều tăng trưởng ở mức cao so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp nhận được nhiều đơn đặt hàng ngay từ đầu năm và tăng cường sản xuất.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, riêng tháng 2/2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 4,48 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái. 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 9,84 tỷ USD, tăng 50,3%, giá trị xuất siêu đạt 2,68 tỷ USD, tăng gần 2,9 lần. Đáng chú ý, chất lượng nông sản Việt Nam ngày càng được các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản đón nhận.
Sụt lún đất gây thiệt hại hơn 13 tỷ đồng
Văn Vũ sx
Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn huyện Trần Văn Thời tỉnh cà màu đã xảy ra khoảng 340 vụ sụt lún, sạt lở đất, tập trung nhiều nhất tại các xã Trần Hợi, Khánh Hải, Khánh Bình, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc; thiệt hại hơn 13 tỷ đồng.
Huyện hiện có 264 tuyến sông, kênh với tổng chiều dài hơn 960 km. Phần lớn đường được xây dựng trên tuyến đê, gần sông, kênh, rạch. Vì vậy, tình hình sạt lở bờ sông, kênh tác động đến tuyến đường.
Theo UBND huyện Trần Văn Thời, việc sản xuất nông nghiệp ở địa phương phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa. Năm nay, mưa kết thúc sớm, hạn hán gay gắt làm lượng nước rút nhanh. Ngoài ra, người dân tranh thủ bơm nước vào đồng để đảm bảo sản xuất, khiến hệ thống sông, kênh rạch khô cạn. Tình trạng này gây ra sự chênh lệch độ cao lớn giữa mặt đường ven sông và mực nước bên dư.
Hơn 7.600 cây dừa bị sâu đầu đen tấn công
Ngày 4/3, Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết, qua kết quả điều tra sơ bộ, hiện toàn tỉnh có 34,5 ha (tương đương 7.626 cây) dừa bị sâu đầu đen gây hại ở các huyện: Càng Long, Tiểu Cần, Trà Cú, Châu Thành, và thành phố Trà Vinh.
Ông Lê Trường Sơn, Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Trà Vinh thông tin, thời gian tới là mùa khô kết hợp với gió mùa Đông Bắc, có điều kiện vô cùng thuận lợi để sâu đầu đen sinh sản, nhân mật số và phát tán.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Trà Vinh đang tăng cường tập huấn, tuyên truyền các biện pháp bao gồm phun thuốc, cắt tỉa, tiêu hủy cây bị nhiễm nặng... nhằm ngăn chặn kịp thời không để sâu đầu đen lây lan.
Cà Mau cần 31.000 tỷ đồng phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông
Minh Phúc khai thác
Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau đang hoàn thiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông trình cấp thẩm quyền xem xét phê duyệt, với kinh phí hơn 31.000 tỷ đồng. Kết quả rà soát cho thấy, hiện nay, tổng chiều dài bờ biển Cà Mau đang tiếp tục bị sạt lở khoảng 91km. Đối với bờ sông cần đầu tư hơn 47km kè (trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm hơn 14,7km và sạt lở nguy hiểm hơn 32,4km).
Cùng với đó là xây dựng các khu dân cư phục vụ công tác bố trí lại dân cư đang ở trong các khu vực nguy hiểm về sạt lở nhằm ổn định cho hơn 1.300 hộ dân trên diện tích hơn 78,8ha.
Ngoài ra, tỉnh Cà Mau đang cần đầu tư xây dựng 177 công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, với kinh phí trên 31.000 tỷ đồng.