Nuôi chim công thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Số hóa cho gần 10.000 cây sầu riêng tại Đắk Lắk. Trứng Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu có chất lượng tốt nhất thế giới. Sinh viên trường Đại học Luật bỏ phố về quê trồng nho.
Nuôi chim công thu nhập trên 300 triệu đồng/năm
Lê Hoàng Vũ SX
Anh Trần Văn Toản, ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ là người đầu tiên ở miền Tây mở trang trại nuôi chim công cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.
Anh Toản cho biết: Chim công được xem là con vật nuôi phong thủy mang đến sự may mắn và hòa khí cho gia đình gia chủ, nên được các trang trại, người có điều kiện kinh tế rất ưa chuộng và mua về làm cảnh.
Hiện tại, trang trại của anh Toản có 10 cặp chim công bố mẹ và hơn 100 con chim công lớn nhỏ, chủ lực là 2 giống chim công má vàng và giống chim công Silver – Black được nhập từ Thái Lan về nuôi. Hàng năm trang trại của anh cung cấp ra thị trường hàng trăm con giống, đối với chim công giống má vàng 2 tháng tuổi có giá từ 8 - 8,5 triệu đồng đồng/cặp (có đầy đủ giấy tờ được ngành Kiểm lâm cấp phép), giống chim công Silver – Black 2 tháng tuổi có giá từ 17 – 20 triệu đồng/cặp.
Anh Toản chia sẻ, nuôi chim công Silver – Black sau 2 năm tuổi sẽ trưởng thành và bắt đầu có khả năng sinh sản. Mỗi năm chim sinh sản 1 lần, mỗi lần từ 10 – 15 trứng. Tuy nhiên phải từ năm thứ 3, thứ 4 trở đi thì khả năng sinh sản của chim mới ổn định và cho tỷ lệ ấp nở đạt hiệu quả cao hơn.
Số hóa cho gần 10.000 cây sầu riêng tại Đắk Lắk
Minh Quý sx
Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Hoàng Mỹ Tây Nguyên đã phối hợp với Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện gắn mã QR cho 10.000 cây sầu riêng tại xã Chư Kpô, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk.
Chương trình được triển khai trong 3 tháng (từ tháng 3 đến tháng 6/2024), mục tiêu là 10.000 cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk sẽ được số hoá bằng mã QR. Từ đây, mọi người quan tâm có thể nhập mã số và tra cứu thông tin chi tiết về từng cây như: Vùng trồng, giống cây, thời điểm trồng, quá trình chăm sóc, hay cụ thể hơn là các thông số về chiều cao, kích thước và hình ảnh của cây theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển.
Ông Trần Kim Tiền, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Hoàng Mỹ Tây Nguyên cho biết, những cây số hóa được truy xuất nguồn gốc rõ ràng và chăm sóc theo quy trình organic hữu cơ.
Trứng Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu có chất lượng tốt nhất thế giới
Trọng Linh sx
Ngày 15/5 tại TP Bạc Liêu, Cục Thủy sản phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu và Đại diện Chương trình UNDP/GEF SGPtoor tổ chức Hội thảo “Phát triển Artemia làm thức ăn thủy sản”.
Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh gần 137.000 ha, hiện nay có 220 cơ sở sản xuất giống thủy sản chủ yếu về sản xuất giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển…
Do đó, nhu cầu sử dụng trứng Artemia trong sản xuất giống thủy sản là rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 1 nhà máy sản xuất trứng Artemia, 3 hợp tác xã (HTX) chuyên nuôi Artemia đáp ứng chỉ khoảng 5 - 10% nhu cầu thực tế các cơ sở sản xuất và ương dưỡng giống địa phương, còn lại trứng Artemia chủ yếu nhập khẩu từ các nước như Mỹ, Trung Quốc và Nga…
Sản phẩm trứng Artemia nguồn gốc tại Vĩnh Châu - Bạc Liêu được khách hàng đánh giá có chất lượng tốt nhất thế giới và được xuất khẩu đi nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, Nhật, Thái Lan… và EU.
Sinh viên trường Đại học Luật bỏ phố về quê trồng nho
Quốc Toản sx
Năm 2021, anh Hà Việt Huy, sinh năm 2000, cựu sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội (trú tại thôn Xuân Minh 1, xã Xuân Cao, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) quyết định đầu tư 400 triệu đồng để thực hiện mô hình trồng nho Hạ Đen.
Mô hình của anh Huy được thực hiện trên diện tích 7000m2 đất đồi với 700 gốc nho Hạ Đen và được che chắn kỹ bởi mái vòm. Quá trình thực hiện mô hình, anh Huy nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật, con giống của Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang. Sau hơn hai năm thực hiện, mô hình đã cho kết quả khả quan. Trung bình mỗi năm, anh Huy thu về khoảng gần 20 tạ nho Hạ Đen, đem lại thu nhập 250 triệu đồng. Ngoài ra, anh Huy còn tạo việc làm cho 5 lao động thời vụ địa phương với mức tiền công 200.000 đồng/người/ngày. Mô hình trồng nho Hạ Đen của anh Huy hiện đang thu hút được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh tham quan, trải nghiệm.
Tin dự phòng
Giống lúa VNR20 cho năng suất gần 80 tạ/ha
Tâm Phùng- Tâm Đức
Vụ đông –xuân năm nay, Tạp đoàn Giống cây trồng Việt nam đưa giống lúa thuần năng chất lượng VNR20 vào sản xuất tại vùng động ruộng sâu xã Hồng Thủy (huyện lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình). Theo ông Nguyễn Văn Ngọ, Giám đốc Hợp tác xã tổng hợp Hồng Thủy, đây là vùng ruộng sâu rộng hơn 300 ha thì đãdụng giống VNR20 khoảng 250 ha.
VNR20 là giống lúa Thuần do Tập đoàn giống Cây Trồng Việt Nam (VINASEED nghiên cứu và chọn tạo, được công nhận vào tháng 9/2020.
Tại Quảng Bình, giống VNR20 có thời gian sinh trưởng vụ đông- xuân từ 120-125 ngày, vụ hè - thu từ 95-100 ngày. Quá trình phát triển, cây lúa có kiểu cây thấp, cứng cây chống chịu đổ ngã rất tốt. Khui thu hoạch, bong lúa dài, tỷ lệ hạt chắc cao, năng suất ổng định qua các năm với trung bình từ 75-80 tạ/ha.
Nuôi cá chạch lấu kết hợp cá heo đuôi đỏ lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi vụ
Văn Vũ sx
Gần 3 năm qua, anh Nguyễn Chí Tâm ngụ Phường 6, TP Cao Lãnh đã đầu tư thực hiện mô hình nuôi cá chạch lấu kết hợp với cá heo đuôi đỏ trong bể lót bạt. Mô hình không chỉ tận dụng diện tích nhỏ mà còn đem mang về nguồn thu nhập hàng tỷ đồng mỗi vụ.
Theo anh Tâm, nuôi cá chạch lấu kết hợ với cá heo đuôi đỏ vào chung bể bạt là cách làm mới, vì cá heo chủ yếu ăn chất thải của cá chạch, nguồn thức ăn thừa và rong rêu nên gần như không tốn thêm thức ăn. Ngoài ra, khi nuôi trong bể bạt người nuôi có thể tích hợp hệ thống bơm oxy, cấp nước và bể lọc tạo môi trường nước ổn định, ngăn ngừa một số loại bệnh trên cá nên ít bị hao hụt.
Hiện tại, anh Tâm đang nuôi hai bể cá với thể tích gần 200m3, sau 12 tháng thả nuôi là có thể thu hoạch, với giá cá chạch lấu là 250.000 đồng/kg, cá heo đuôi đỏ giá 500.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí sản xuất mỗi vụ mang về cho anh Tâm lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng.