| Hotline: 0983.970.780

Nuôi cá nước lạnh ở Bắc Kạn kết quả bất ngờ khi so sánh Sa Pa

Thứ Ba 12/07/2022 , 11:22 (GMT+7)

Nhờ mua hè ở Pù Lầu, Bắc Kạn mát mẻ không kém gì Sa Pa nên chàng trai người Dao, Đặng Hành Dũng quyết định khởi nghiệp nuôi nuôi các giống cá nước lạnh.

Đặng Hành Dũng là người dân tộc Dao ở bản vùng cao Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Dũng có thời gian 3 năm học tại Trường Cao đẳng Y Thái Nguyên, khi ra trường có 3 năm công tác tại thành phố Bắc Kạn.

Sau những ngày tháng tìm tòi, chàng thanh niên sinh năm 1996 này nhận ra rằng, mảnh đất để làm giàu và thỏa ước mơ kinh doanh ở ngay chính quê hương mình. Nơi bản làng Phiêng Phàng quê hương của Dũng có đỉnh núi Pù Lầu, quanh năm mát mẻ, khí hậu trong lành, nước nguồn mát lạnh chảy tự nhiên từ núi Phja Boóc ra quanh năm.

Đặc biệt, mùa hè ở Pù Lầu còn mát mẻ hơn cả ở Sa Pa nên Đặng Hành Dũng quyết định khởi nghiệp với mô hình nuôi cá nước lạnh là cá tầm và cá hồi, những loài cá lạ lẫm với người dân địa phương.

Đặng Hành Dũng nhớ lại thời gian đó, tháng 2/2020, Dũng rủ thêm anh trai cùng làm, thời điểm đó đường núi cheo leo, mọi thứ còn hoang vu, vắng vẻ. Ý tưởng của hai anh em được cả gia đình ủng hộ nên mọi người đã đồng hành cùng Dũng vào san gạt đất, tạo mặt bằng, làm đường, kéo điện.

Trang trại cá tầm, cá hồi của anh Đặng Hành Dũng phát triển tốt. Ảnh: Toán Nguyễn.

Trang trại cá tầm, cá hồi của anh Đặng Hành Dũng phát triển tốt. Ảnh: Toán Nguyễn.

Lúc đó, nhiều người dân trong bản bàn tán Dũng như kẻ khùng, dở hơi, vận chuyển vật liệu lên núi khó như thế, sau không biết có làm được gì không. Nhưng rất may, Dũng nhận được sự ủng hộ hết mình của người thân, nên chỉ sau vài tháng đã hoàn thành việc xây những bể để nuôi cá đầu tiên. Để có nguồn giống tốt, Dũng lặn lội lên tận huyện Sa Pa (Lào Cai) học hỏi kinh nghiệm và mua giống cá về nuôi.

Những ngày đầu do còn thiếu kinh nghiệm trong nuôi loài cá này nên khi nhập giống về thả đã có một lượng nhỏ cá tầm bị chết. Sau đó vừa làm vừa học hỏi trên mạng, vừa rút kinh nghiệm nên Dũng đã tích lũy được chút kiến thức về nuôi cá nước lạnh để mô hình đi vào hoạt động ổn định.

Dũng chia sẻ thêm: "Cá tầm, cá hồi chỉ sống được ở nơi nước lạnh và dễ bị mắc bệnh nếu thiếu kỹ thuật nuôi và môi trường nuôi không đảm bảo. Vì vậy, để loài cá này sinh trưởng tốt đòi hỏi người nuôi cần đặc biệt chú trọng đến độ sâu của bể, độ lạnh của nước, đảm bảo nguồn thức ăn có chất lượng tốt, môi trường nước sạch, thường xuyên vệ sinh bể. Nhờ những nỗ lực đó, cá của trang trại phát triển tốt, trọng lượng cá hồi có đạt trên 1,7 kg/con, cá tầm có trọng lượng từ 3 - 4 kg/con.

Chàng trai Đặng Hành Dũng đã thành công trong việc đưa cá nước lạnh lên đỉnh Pù Lầu. Ảnh: Toán Nguyễn.

Chàng trai Đặng Hành Dũng đã thành công trong việc đưa cá nước lạnh lên đỉnh Pù Lầu. Ảnh: Toán Nguyễn.

Với số vốn ban đầu là 600 triệu đồng, trong đó huy động gia đình, họ hàng được khoảng 400 triệu đồng và 200 triệu vay vốn Ngân hàng chính sách, Dũng đã xây dựng được 4 bể cá trên đỉnh Pù Lầu. Đến nay sau 2 năm, từ số lãi thu được, Dũng lại quay vào mở rộng đầu tư, xây dựng thêm cơ sở vật chất, đã nâng quy mô trang trại của thanh niên người dân tộc Dao này đã tăng gấp hơn 2 lần.

Giá bán cá tầm ra thị trường từ 300.000 - 350.000 đồng/kg, cá hồi 400,000 - 450.000 đồng/kg. Nhiều khách hàng từ xa khi biết đến mô hình của anh Dũng đã gọi điện đặt hàng, thị trường đầu ra rất ổn định. Ngoài ra, Dũng cũng đầu tư vào việc chế biến món ăn từ cá tầm, cá hồi ngay tại trang trại để đáp ứng những du khách đến tận nơi tham quan, trải nghiệm và có nhu cầu ăn uống ngay tại chỗ.

Dũng không giữ cách làm cho riêng mình, mà rất muốn chia sẻ với những người dân địa phương, kêu gọi những doanh nghiệp có khả năng tài chính đến cùng đầu tư. Bởi mong ước của chàng trai vùng cao này là có một ngày, Đỉnh Pù Lầu và bản làng Phiêng Phàng sẽ trở thành một Sa Pa của huyện Ba Bể và của tỉnh Bắc Kạn.

Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.