| Hotline: 0983.970.780

Nuôi cá tầm quy trình chuẩn quốc tế tại hồ thủy điện Sơn La

Thứ Năm 21/07/2022 , 07:26 (GMT+7)

Nhờ nuôi theo đúng quy trình, kỹ thuật của các chuyên gia Nga và Na Uy, cá tầm Sơn La đã khẳng định được thương hiệu, uy tín, chất lượng trên thị trường.

Trang trại nuôi cá tầm trên lòng hồ thủy điện Sơn La tại xã Mường Trai, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Ảnh: Phạm Hiếu.

Trang trại nuôi cá tầm trên lòng hồ thủy điện Sơn La tại xã Mường Trai, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nhiều lợi thế phát triển cá nước lạnh

Lòng hồ thủy điện Sơn La phía hạ lưu thuộc bản Lả, xã Mường Trai, huyện Mường La, tỉnh Sơn La là khu vực khuất gió, nguồn nước sạch nên rất thuận lợi cho việc nuôi cá tầm. Từ năm 2012, tỉnh Sơn La đã triển khai nuôi thử nghiệm, cho thấy kết quả loài cá tầm được nuôi ở môi trường này phát triển tốt, tỷ lệ cá sống khá cao. Đặc biệt, một số loài cá tầm giống quý có thể sinh trưởng tốt như cá tầm Belgula cá tầm Nga... có con đạt khối lượng 50 - 70kg.

Theo ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y, Thủy sản tỉnh Sơn La, địa phương đang tập trung để phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt trên vùng lòng hồ sông Đà, tập trung tại huyện Quỳnh Nhai và Mường La để sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn.

Các sản phẩm chủ lực, có lợi thế trên địa bàn tỉnh, điển hình như một số loại cá nước lạnh sẽ phục vụ nhu cầu tại địa phương cũng như tiến tới xuất khẩu sang thị trường quốc tế.

Mô hình nuôi cá tầm Sơn La của Tập đoàn Cá tầm Việt Nam. Ảnh: Phạm Hiếu.

Mô hình nuôi cá tầm Sơn La của Tập đoàn Cá tầm Việt Nam. Ảnh: Phạm Hiếu.

“Sơn La là một trong những địa phương có lợi thế về nuôi cá nước lạnh do điều kiện tự nhiên phù hợp. Ngoài ra, tỉnh cũng đã chú trọng chỉ đạo các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn cũng như người dân trên địa bàn đầu tư phát triển theo hướng công nghệ, kỹ thuật cao. Đặc biệt, trên địa bàn cũng đã phát triển được một số doanh nghiệp chăn nuôi thủy sản, nuôi cá tầm, cá hồi… Điển hình là mô hình nuôi cá tầm của Tập đoàn Cá tầm Việt Nam trên địa bàn huyện Mường La, thời gian qua đã hoạt động khá hiệu quả”, ông Nguyễn Ngọc Toàn chia sẻ với báo Nông nghiệp Việt Nam.

Công ty TNHH MTV cá tầm Việt Nam - Sơn La là một trong những doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn Cá tầm Việt Nam tiên phong nuôi cá tầm theo tiêu chuẩn VietGAP và đã được Trung tâm Chuyển giao công nghiệp và Dịch vụ thủy sản Việt Nam (Tổng cục Thủy sản - Bộ NN-PTNT) chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP vào tháng 10/2017.

Mỗi con cá tầm sau khi xuất bán đều được Công ty gắn mã truy xuất nguồn gốc. Theo đó, khách hàng mua cá tầm có thể quét mã sản phẩm qua các ứng dụng điện thoại thông minh để kiểm tra giống cá, địa điểm nuôi, ngày bắt đầu nuôi. Hằng năm cá tầm của doanh nghiệp được tiêu thụ rất mạnh tại thị trường các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa…

Ông Nguyễn Ngọc Lan, quản lý phụ trách trang trại cá tầm của Công ty TNHH MTV Cá tầm Việt Nam - Sơn La chia sẻ: Từ khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các khu du lịch mở cửa trở lại, cá tầm Việt Nam lại tiêu thụ bình thường. Bình quân mỗi tháng chúng tôi tiêu thụ hơn 10 tấn cá tầm. Nếu cố gắng mỗi tháng tiêu thụ từ 13 - 20 tấn thì tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ ổn định.

Sơn La có nhiều lợi thế để phát triển nuôi loài cá tầm xứ lạnh. Ảnh: Phạm Hiếu.

Sơn La có nhiều lợi thế để phát triển nuôi loài cá tầm xứ lạnh. Ảnh: Phạm Hiếu.

Quy trình nuôi cá tầm ngặt nghèo

Theo ông Mai Tuấn Anh, Kỹ sư trưởng Công ty TNHH MTV Cá tầm Việt Nam - Sơn La, môi trường lòng hồ thủy điện Sơn La rất phù hợp để nuôi cá tầm. Đến năm 2015, Công ty đã mở rộng số lượng lồng bè lên 283 lồng với diện tích nuôi khoảng gần 4ha trên lòng hồ với 200.000 con cá giống, khoảng 200 tấn cá thương phẩm và 100 tấn cá bố mẹ.

“Cá tầm nuôi ở hồ thủy điện Sơn La chủ yếu cần quan tâm về vấn đề nhiệt độ. Do cá tầm là loài sống ở môi trường nước lạnh, nhiệt độ cao sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cá, thậm chí làm cá chết. Còn các vấn đề sức khỏe khác, chúng tôi đều không cần dùng thuốc và kháng sinh mà chỉ cần bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng cho cá”, ông Mai Tuấn Anh cho hay.

Kỹ sư trưởng Công ty cho biết thêm, cá tầm nuôi tại hồ thủy điện Sơn La cho chất lượng rất tốt và đều đạt các tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Cá nuôi trong 2 năm mới đạt trọng lượng 2kg/con.

Bên cạnh đó, một yếu tố vô cùng quan trọng nữa cần lưu ý khi nuôi cá tầm là thức ăn. Cá tầm được nuôi bằng thức ăn công nghiệp phối trộn với cá mương, cá biển xay nhuyễn có hàm lượng đạm cao. Khi cá còn nhỏ, thức ăn sẽ là trộn cá tươi vs cám công nghiệp. 

Khi cá lớn có thể cho ăn cám nông nghiệp. Cám công nghiệp cũng phải đảm bảo các tiêu chuẩn. Nếu thời tiết nắng nóng cần phải giảm lượng thức ăn, trời mát sẽ bổ sung thức ăn để tăng trọng lượng cho cá.

Chia sẻ về quy trình nuôi cá tầm, ông Nguyễn Ngọc Lan, quản lý phụ trách trang trại cá tầm của Công ty TNHH MTV Cá tầm Việt Nam - Sơn La khẳng định, cá tầm nơi đây được nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật của Nga và Na Uy.

Cá tầm sẽ được chăm sóc kĩ lưỡng từ bé đến lớn, hàng tháng sẽ được cân trọng lượng để định lượng thức ăn hàng ngày, từ đó lên kế hoạch cho ăn theo thời tiết nắng nóng hay râm mát. Bên cạnh đó, quy trình nuôi cá cũng cần phải thực hiện theo đúng kỹ thuật được chuyên gia nước ngoài hướng dẫn, từ thức ăn tươi cho đến thức ăn công nghiệp.

Ông Lan cũng chia sẻ thêm, điều kiện về cơ sở vật chất phải đủ lồng bè để nuôi cá. Một lồng sẽ được quy định nuôi từ 500 - 700 con. Đặc biệt, lồng bè nuôi cá tầm phải được sắp xếp thuận tiện theo dòng nước chảy, cần đảm bảo không cản trở dòng thủy điện và phải thông thoáng, thông lưu dòng chảy để có oxy và độ pH đúng tiêu chuẩn của nuôi trồng thủy sản.

Để đủ điều kiện xuất bán, cá tầm nuôi tại Sơn La phải đạt trọng lượng tối thiểu 1,8kg trở lên. Ảnh: Phạm Hiếu.

Để đủ điều kiện xuất bán, cá tầm nuôi tại Sơn La phải đạt trọng lượng tối thiểu 1,8kg trở lên. Ảnh: Phạm Hiếu.

Cá tầm thương phẩm được nuôi trong các lồng lưới sắt nổi trên sông với độ sâu từ 4 - 6 mét. Trại cá dùng lưới vây lòng hồ để tận dụng các ưu điểm của môi trường nước tự nhiên. Mật độ được duy trì theo từng kích cỡ cá, vì thế kỹ thuật viên thường phải sàng lọc để điều chỉnh cả thức ăn lẫn chế độ chăm sóc.

“Thời điểm hiện tại, chúng tôi đang gặp khó khăn về vấn đề giống nuôi. Trước đây giống cá tầm hoàn toàn được nhập từ Nga và Mỹ nhưng thời kỳ Covid-19 khiến đường bay quốc tế bị gián đoạn nên chúng tôi hiện nay không nhập được trứng cá tầm từ Nga. 3 năm nay chúng tôi không thể nhập được trứng cá tầm của Nga và rất mong muốn có thể tiếp tục nhập trong cuối năm nay”, ông Nguyễn Ngọc Lan bày tỏ.

Hiện nay, Tập đoàn Cá tầm Việt Nam đã sản xuất được một số giống cá tầm, trứng cá tầm nhưng mới chỉ đủ cung cấp cho một số cơ sở của Tập đoàn tại Lâm Đồng, Đắk Lắk, Bình Thuận chứ chưa đủ để phục vụ cho trang trại cá tầm Sơn La.

"Thời gian qua, tỉnh Sơn La đã phối hợp với các bộ ngành trung ương, đặc biệt là một số cơ quan của Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương và Trung ương Hội Nông dân, Liên minh HTX Việt Nam để triển khai kết nối tiêu thụ đối với các sản phẩm cá nước lạnh trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi cũng có chương trình phối hợp với một số địa phương khác, đặc biệt là phối hợp với tỉnh Lào Cai để tổ chức các đoàn tham quan học tập kinh nghiệm cũng như trao đổi kinh nghiệm sản xuất cũng như kết nối tiêu thụ sản phẩm đối với thị trường tỉnh bạn và có thể hướng đến xuất khẩu sản phẩm cá tầm sang thị trường Trung Quốc”, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y, Thủy sản tỉnh Sơn La cho hay.

Xem thêm
Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.

Bình luận mới nhất