Hoạt động nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao trong ao nổi có mái che đang được người dân thuộc các vùng nuôi tôm trên địa bàn huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đầu tư phát triển.
Những năm gần đây, hoạt động nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao trong ao nổi có mái che đang được người dân thuộc các vùng nuôi tôm trên địa bàn huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đầu tư phát triển. Hình thức này đã góp phần giúp các hộ vượt qua những khó khăn, thách thức mà nghề nuôi tôm đang phải đối diện như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh…
Anh Đặng Thanh Tân, thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn đầu tư phát triển nuôi tôm công nghệ cao theo 3 giai đoạn trên tổng diện tích hơn 2 ha, trong đó hệ thống ao nổi có mái che là 5.000 m2. Việc nuôi tôm công nghệ cao trong ao nổi có mái che chi phí đầu tư ban đầu lớn nhưng đã giúp hạn chế được những ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết, điều hòa nhiệt độ ao nuôi nên các hộ có thể nuôi được 3 vụ/năm, thậm chí có những gia đình có thể nuôi được 4 vụ/năm. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế của người nuôi được tăng lên. Bên cạnh đó, khi nuôi theo hình thức này người nuôi có thể kiểm soát được nguồn nước trước khi cấp vào ao nuôi thông qua việc xử lý kỹ lưỡng tại hệ thống ao lắng, phụ trợ. Đồng thời, kiểm soát được nguồn thức ăn, giảm lượng thức ăn thừa, dễ dàng vệ sinh ao nuôi, chủ động nguồn nước...
AnhĐẶNG THANH TÂN
Thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình
Hiện tại chúng tôi đang nuôi tôm 1 năm 3 đợt, mỗi đợt 7 đến 10 tấn, 1 năm cỡ 20-30 tấn tôm. Với quy trình nuôi như thế này thì chúng tôi có thể hạn chế nhưng khó khăn của thiên nhiên. Chẳng hạn như mùa đông lạnh thì che bằng bạt trắng để nâng nhiệt, mùa nóng thì che bằng lưới lan để nhiệt độ về mức phù hợp giúp tôm khoẻ, ít bị bệnh. Nuôi thế này thì quy trình xử lý nước tương đối đảm bảo giúp tôm tăng trưởng nhanh và tránh được một số bệnh nguy hiểm.
Còn đây là cơ sở nuôi tôm công nghệ cao trong ao nổi có mái che với diện tích khu nuôi 25.000 m2. Trong đó, hệ thống ao nổi có mái che là 6.000 m2, còn lại là hệ thống ao phụ trợ. Sản lượng tôm trung bình hàng năm cơ sở này xuất ra thị trường đạt khoảng 40-45 tấn. Để nuôi tôm công nghệ cao thành công thì người nuôi cần đảm bảo được các yếu tố như ao nuôi cần được thiết kế và xây dựng phù hợp với đặc tính của tôm như kích thước, độ sâu, độ thông gió, hệ thống lọc và tuần hoàn nước…; có nguồn tôm giống chất lượng; thức ăn phù hợp; nguồn nước cấp vào ao nuôi đảm bảo; người nuôi phải nắm vững kỹ thuật nuôi… Trong đó, nước dùng cho ao nuôi đóng một vai trò đặc biệt quan trọng đến sự sinh trưởng và phát triển của tôm. Khi nuôi trong ao nổi lót bạt nước sẽ được thay hàng ngày, do đó hệ thống nước cung cấp cho ao nuôi phải luôn chủ động, không bị ô nhiễm. Trước khi nước được đưa vào ao nuôi cần xử lý kỹ lưỡng bằng thuốc tím, chế phẩm vi sinh tại hệ thống ao lắng và ao phụ trợ.
Về kỹ thuật nuôi, hầu hết các hộ đều áp dụng phương pháp nuôi tôm theo các giai đoạn, ban đầu thả tôm với mật độ cao (1.500- 2.000 con/m2), sau đó san dần sang các ao với mật độ ít hơn và giai đoạn về đích khoảng 100 con/m2. Theo các hộ nuôi, ưu điểm nổi trội của nuôi tôm công ghệ cao là nuôi được tôm vụ đông. Khi này, nguồn cung khan hiếm nên giá bán tôm luôn ở mức cao, mang lại nguồn thu lớn cho các hộ nuôi.
Ông TRỊNH KIM THANH
Huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình
Vụ tôm đông nuôi trong nhà bạt thì năng suất sẽ cao hơn, lợi nhuận nhiều về cho gia đình. Khâu quản lý phải chắc chắn cho con tôm bền vững, thức ăn cho nó phải đảm bảo về nguồn sống, nươc lúc nào cũng phải sạch sẽ, quan trọng nhất là khâu nước. Giá bán thì sẽ cao gấp 2 lần, có lúc 3 lần về mùa đông, như năm ngoái là khoảng 300 đến hơn 300/kg về mùa đông.
Đến nay, theo thống kê diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện Kim Sơn là khoảng 4.000 ha, trong đó có 100 ha nuôi tôm công nghệ cao. Hình thức nuôi tôm công nghệ cao từ khi được triển khai tại Kim Sơn đã chứng minh được giá trị khi giúp nhiều hộ nuôi “đổi đời”. Tuy nhiên, hình thức nuôi này vẫn gặp phải một số khó khăn như vốn đầu tư ban đầu lớn; hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản chưa đồng bộ nên ở một số vùng chưa có hệ thống kênh cấp, thoát nước theo hướng chủ động, riêng biệt nên việc đảm bảo nguồn nước chất lượng cấp cho các ao nuôi vẫn gặp khó khăn.
Ông PHAN VĂN HẢI
Trạm trưởng Trạm Kiểm ngư-Thủy sản, Chi cục Thủy sản Ninh Bình
Trước khi thả giống bà con cần lưu ý phải cải tạo ao nuôi thật kỹ để tránh mầm bệnh, cái thứ 2 là lưu ý nguồn nước đảm bảo sạch bệnh, thứ 3 là bà con phải lưu tâm nguồn giống, chọn cơ sở có uy tín, thứ 4 là phải theo dõi chặt các yếu tố môi trường, thứ 5 là phải thường xuyên theo dõi, quản lý ao nuôi
Ông VŨ MINH HOÀNG
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Ninh Bình
Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về kỹ thuật nuôi, phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi, thứ 2 là đẩy mạnh phát triển các hình thức sản xuất theo chuỗi liên kết từ vật tư đầu vào đến nuôi trồng và tiêu thụ sản phẩm và thực hiện tốt công tác dự báo tình hình sản xuất và kết nối tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Thứ 3 là đẩy mạnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi tôm công nghiệp. Đẩy nhanh xác nhận đối tượng nuôi chủ lực, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và vùng nuôi. Thứ 4 là đầu tư hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nuôi tôm công nghiệp…
Theo Chi cục Thủy sản Ninh Bình, đến hết năm 2022, diện tích nuôi tôm toàn tỉnh hơn 1.800 ha, trong đó diện tích nuôi tôm sú hơn 1.500 ha, tôm thẻ chân trắng thâm canh 250 ha. Sản lượng tôm nuôi đạt hơn 3.300 tấn, trong đó tôm sú 790 tấn, tôm thẻ chân trắng hơn 2.500 tấn.