Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm, động viên cô giáo khuyết tật Lê Thị Thắm. Quỹ học bổng GrowMax đồng hành cùng học sinh vùng ven biển. Hỗ trợ 500 đàn ong để HTX xây dựng sản phẩm OCOP. Bình Điền triển khai chương trình canh tác lúa thông minh tại Campuchia.
Phó Chủ tịch nước thăm, động viên cô giáo khuyết tật
Quốc Toản sx
Sáng ngày 5/9, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Đoàn công tác đã đến thăm hỏi, động viên gia đình cô giáo khuyết tật Lê Thị Thắm ở xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn (tỉnh Thanh Hóa).
Phó Chủ tịch nước bày tỏ sự khâm phục và biểu dương tinh thần, nghị lực vượt lên số phận, nghịch cảnh của cô giáo để trở thành người có ích cho xã hội; Bà mong muốn cô giáo tiếp tục phát huy trí tuệ, bản lĩnh, sáng tạo trong quá trình dạy học để truyền đạt tốt nhất kiến thức, nghị lực sống của bản thân cho các em nhỏ, xứng đáng với niềm tin yêu, sự giúp đỡ của gia đình, cấp ủy chính quyền địa phương và cộng đồng xã hội trong thời gian.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đề nghị cấp ủy chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ cô giáo khuyết tật Thắm để thực hiện ước mơ của mình, qua đó, lan tỏa nghị lực sống, làm việc tới các bạn trẻ khác, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Quỹ học bổng GrowMax đồng hành cùng học sinh vùng ven biển
Hồ Thảo sx
Sáng nay, tại tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu, đại diện Tập đoàn GrowMax phối hợp cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam trao 60 suất học bổng, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng, cho những em học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhằm tạo động lực cho các em đến lớp.
Ông Quách Minh Mẫn, Giám đốc khu vực miền Tây - Tập đoàn GrowMax chia sẻ, đồng cảm với những hoàn cảnh gia đình khó khăn và nhận thấy tri thức là con đường sáng nhất để thay đổi cuộc đời. Năm nay khu vực miền Tây có hơn 40 trường được nhận học bổng với giá trị lên đến 20 triệu đồng/trường.
Ngoài ra, Tập đoàn GrowMax đang xây dựng các farm nuôi trồng thuỷ sản ở nhiều tỉnh thành, sắp tới Tập đoàn sẽ liên kết với Trường Đại học và Cao đẳng nhận các bạn sinh viên tốt nghiệp thực tập và thử việc tại các farm nuôi này với mong muốn tạo công việc làm ổn định cho sinh viên.
Hỗ trợ 500 đàn ong để HTX xây dựng sản phẩm OCOP
Thanh Nga sx
Thực hiện Chương trình hỗ trợ của Trung tâm khuyến nông quốc gia, năm 2023 Trung tâm khuyến nông Hà Tĩnh xây dựng thành công mô hình HTX nuôi ong và xây dựng sản phẩm OCOP Tâm An, tại thôn Khe Giao, xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc, với sự tham gia của 10 hộ dân.
Trong quá trình thực hiện mô hình, Hợp tác xã Tâm An được hỗ trợ 500 đàn ong giống Apis cerana, vật tư phục vụ sản xuất; được hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi mới và các công đoạn đăng ký tham gia chương trình OCOP tỉnh Hà Tĩnh.
Theo lãnh đạo Trung tâm khuyến nông Hà Tĩnh, thành công của mô hình đã thay đổi tư duy sản xuất cho người nuôi ong, bà con được hoạt động trong môi trường hợp tác xã theo hình thức liên kết tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm mật của các thành viên bán ra thị trường có nhãn mác, thương hiệu nên giá thành được nâng cao và ổn định ở mức 250.000 – 280.000đ/lít, cao hơn thị trường khoảng 20%.
Bình Điền triển khai chương trình canh tác lúa thông minh tại Campuchia
Hoàng Vũ – Văn Vũ (Sản xuất)
Công Cổ phần phân bón Bình Điền vừa phối hợp với Sở Nông lâm Ngư nghiệp Tà Keo (Campuchia) tổ chức Hội thảo đánh giá tổng kết mô mình Canh tác lúa thông minh. Sự kiện thu hút hơn 200 nông dân trong tỉnh đến tham dự.
Đây là chương trình Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền triển khai tại Campuchia gồm 4 tỉnh trồng lúa trọng điểm gồm Tà Keo, Preyveng, Battambang và Banteay Meanchay nhằm giúp nông dân canh tanh tác lúa giảm chi phí và gia tăng lợi nhuận. Mô hình triển khai tại hộ ông Hun Sarum, ở huyện Kaoh Andaet, tỉnh Tà Keo với diện tích 1ha, trồng giống lúa OM 5451 sản xuất trong vụ mùa mưa, năng suất đạt 6 tấn/ha, tăng hơn 900kg/ha, cho lợi nhuận đạt 1.533 USD/ha tăng 543 USD/ha so với ruộng đối chứng.
Theo ông Hun Sarum, đây là vụ lúa đầu tiên được Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền triển khai chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, từ đó giúp giảm chi phí giống, lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.