Truy xuất nguồn gốc phải tổng thể và rất cụ thể. Quảng bá, phát triển nông đặc sản Việt Nam trên nền tảng TikTok. Chè Thái Nguyên áp dụng quy trình sản xuất an toàn đạt giá trị cao. Giá trứng gia cầm giảm 1.000 - 5.000 đồng/chục.
TRUY XUẤT NGUỒN GỐC PHẢI TRỞ THÀNH TỔNG THỂ VÀ RẤT CỤ THỂ
Sáng 28/02, tại đầu cầu Báo Nông nghiệp Việt Nam và Văn phòng Bộ NN-PTNT khu vực phía Nam, Tổ điều hànhDiễn đàn kết nối nông sản 970 và Nhóm tham vấn kinh doanh nông nghiệp của Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc tại Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản - thực phẩm”. Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho biết, Việt Nam hiện có 19.000 HTX nông nghiệp, 14.200 doanh nghiệp nông nghiệp, 7.500 cơ sở chế biến nông nghiệp, 9.400 siêu thị và chợ hạng 1, đây là các dữ liệu cấu thành Bigdata của ngành nông nghiệp. Do đó, Truy xuất nguồn gốc phải trở thành tổng thể và rất cụ thể. Hiện nay, Chính phủ đang chuyển trọng tâm từ quản lý sang quản trị, từ hành chính nhà nước sang phục vụ doanh nghiệp, do đó, để số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản thực sự đi vào thực tiễn, có tính hiệu quả cao cần sự tham gia, phối hợp của tất cả các bên, từ nhà nước tới doanh nghiệp, HTX và nông dân.
QUẢNG BÁ, PHÁT TRIỂN NÔNG ĐẶC SẢN VIỆT NAM TRÊN NỀN TẢNG TIKTOK
Sáng 28/2, Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp thuộc Bộ NN-PTNT và Tik Tok Việt Nam tổ chức Lễ ký kết biên bản hợp tác nhằm tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX trong việc số hoá các hoạt động xúc tiến thương mại thuộc Chương trình “Mỗi xã 1 sản phẩm” OCOP. Qua đây, đóng góp vào tiến trình triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Tik Tok sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai các khoá tập huấn hỗ trợ nâng cao năng lực số cho các chủ thể OCOP tại các tỉnh thành. Đồng thời, tái khởi động hashtag #DacSanVietNam nhằm thúc đẩy tương tác và kết nối giao thương giữa các đơn vị và người tiêu dùng. Tính riêng năm 2022, hashtag #OCOP và #DacSanVietNam đã thu hút gần 350 triệu lượt xem, qua đó mở ra cơ hội tìm kiếm, tiêu thụ và phát triển tiềm năng cho các sản phẩm OCOP.
CHÈ THÁI NGUYÊN ÁP DỤNG QUY TRÌNH SẢN XUẤT AN TOÀN ĐẠT GIÁ TRỊ CAO
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, hiện nay, diện tích chè áp dụng quy trình sản xuất an toàn trên địa bàn tỉnh đang tăng rất nhanh, nhiều tiến bộ khoa học, công nghệ đã được áp dụng như: Sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, công nghệ tưới tiết kiệm nước trong thâm canh chè. Đến nay, tổng diện tích trồng chè áp dụng thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP được cấp chứng nhận đạt 4357 ha; cấp chứng nhận tiêu chuẩn UTZ Certified 11 ha và sản xuất áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ đạt 127 ha. Với việc áp dụng nhiều giải pháp trong việc trồng và chế biến chè, trong năm 2022, chè Thái Nguyên luôn có thị trường tiêu thụ tương đối ổn định. Trên địa bàn đã hình thành một số vùng chè đặc sản như: Tân Cương, La Bằng, Trại Cài, Tức Tranh... Sản xuất một số sản phẩm trà cao cấp có giá trị cao đạt từ 1,5 triệu đồng đến trên 5 triệu đồng/kg.
GIÁ TRỨNG GIA CẦM GIẢM 1.000-5.000 ĐỒNG/CHỤC
Giá nhiều loại trứng gia cầm tại vùng ÐBSCL như trứng gà, trứng vịt, trứng cút… giảm ít nhất từ 1.000-5.000 đồng/chục 10 trứng so với cách nay khoảng 1 tháng.
Hiện, giá trứng vịt tươi được bán lẻ tại nhiều nơi chỉ còn ở mức 25.000-35.000 đồng/chục, trong khi trước đây có giá từ 30.000-40.000 đồng. Giá bán lẻ trứng gà công nghiệp và gà ta tại nhiều nơi ở mức 23.000-30.000 đồng/chục; trứng cút tươi 6.000-7.000 đồng/chục. Theo các hộ nuôi, gần đây, sức tiêu thụ nhiều loại trứng gia cầm đã giảm mạnh và có nguồn cung dồi dào nên giá trứng không còn duy trì ở mức cao như trước.