Sẵn sàng ứng phó những sự cố do mưa lớn tại phía Bắc. Mỹ kết luận điều tra phòng vệ thương mại gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam. Xuất khẩu cá ngừ sang EU sụt giảm liên tục trong quý II. Giá cá linh đầu mùa lên tới 300.000 đồng/kg.
SẴN SÀNG ỨNG PHÓ NHỮNG SỰ CỐ DO MƯA LỚN TẠI PHÍA BẮC
Thông tin tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai nhằm ứng phó với mưa, lũ sau bão, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, mưa lớn sẽ diễn ra tập trung ở khu vực đồng bằng Bắc bộ, sau đó mở rộng ra khu vực Sơn La, Hoà Bình. Sáng và trưa nay (11/8) mưa sẽ tiếp tục diễn ra với cường độ lớn, từ chiều nay mưa có dấu hiệu giảm dần.Kết luận cuộc họp, Phó chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, ông Nguyễn Văn Tiến đề nghị các tỉnh miền núi phía Bắc cần theo dõi tình hình thời tiết, sẵn sàng ứng phó với tình huống mưa lớn; đồng thời, rà soát phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất.
MỸ KẾT LUẬN ĐIỀU TRA PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI GỖ DÁN NHẬP KHẨU TỪ VIỆT NAM
Bộ Thương mại Hoa Kỳ vừa công bố kết luận sơ bộ vụ việc điều tra lẩn tránh phòng vệ thương mại đối với gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam.Kết luận cho rằng gỗ dán từ Việt Nam nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp như đang áp dụng với gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc. Gỗ dán từ Việt Nam nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc sản xuất tại Việt Nam hoặc tại các nước khác không bị áp những loại thuế này.Căn cứ kết luận sơ bộ, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ đề nghị Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ tiếp tục dừng thanh khoản và yêu cầu nhà nhập khẩu nộp tiền đặt cọc bằng mức thuế chống lẩn tránh tạm tính với các lô hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ trong trường hợp là đối tượng bị áp dụng biện pháp.
XUẤT KHẨU CÁ NGỪ SANG EU SỤT GIẢM LIÊN TỤC TRONG QUÝ II
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cá ngừ của nước ta sang EU đã sụt giảm liên tục trong quý II năm nay. Tuy nhiên, nhờ sự tăng trưởng tốt trong 3 quý đầu năm nên lũy kế 6 tháng đầu năm giá trị xuất khẩu cá ngừ sang khối thị trường này vẫn tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021, đạt hơn 77 triệu USD.Một trong những nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm là do bất chấp lạm phát kỷ lục, Ngân hàng TW Châu đã không tăng lãi suất trong quý 2/2022 khiến đồng euro mất giá. Giá các sản phẩm cá ngừ tăng do chi phí hàng hoá cần thiết tăng cao hơn, do đó các sản phẩm cá ngừ cuối cùng nhập khẩu vào EU từ các nước ngoài khối như Việt Nam trở lên đắt đỏ hơn.Ngoài ra, việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa của Việt Nam theo mẫu của Hiệp định thương mại tự do còn nhiều bất cập khiến cho nhiều lô hàng xuất khẩu sang khối thị trường này bị đình trệ.Dự kiến, xuất khẩu cá ngừ sang EU sẽ còn tiếp tục giảm tốc trong những tháng tới.
GIÁ CÁ LINH ĐẦU MÙA LÊN TỚI 300.000 ĐỒNG/KG
Đầu mùa nước nổi, cá linh non - đặc sản miền Tây – đang được bán các chợ trung tâm tỉnh Đồng Tháp với giá cao nhất 300.000 đồng mỗi kg, gấp 1,5 lần năm ngoái. Một số nơi có bán cá linh rẻ hơn, dao động 200.000-220.000 đồng mỗi kg.Những năm gần đây, lũ về muộn và nhỏ nên các loại đặc sản khan hiếm dần, nhất là cá linh. Để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên, hai tỉnh đầu nguồn An Giang và Đồng Tháp đều có những quy định về đánh bắt, tránh tình trạng khai thác tận diệt. Do vậy, người dân tại đây chỉ đánh bắt cá trong ruộng bằng vợt xúc, trung bình mỗi ngày, xuồng lưới chỉ bắt được 5-10 kg cá, hôm nhiều nhất là 20 kg, điều này cũng khiến giá cá linh ngày càng cao hơn.