Sẵn sàng xuất lô sầu riêng tươi chính ngạch đầu tiên sang Trung Quốc ngày 17/9. Giải thưởng ngành chăn nuôi Vietstock Awards 2022 chính thức trở lại. Người nuôi cá tra gặp khó khi giá thức ăn thủy sản tăng cao. Ứng dụng than sinh học phát triển nông nghiệp bền vững.
SẴN SÀNG XUẤT LÔ SẦU RIÊNG TƯƠI CHÍNH NGẠCH ĐẦU TIÊN SANG TRUNG QUỐC NGÀY 17/9
UBND tỉnh Đắk Lắk vừa ra thông báo tổ chức “lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên theo nghị định thư kí kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc” vào sáng 17/9. Sự kiện dự kiến có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk, Đại sứ quán cùng đại diện các doanh nghiệp, HTX hai nước. Chuyến hàng sầu riêng chính ngạch đầu tiên này là thành quả của quá trình đàm phán, kí kết nghị định thư giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Vào ngày 7/9 vừa qua, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt 51 mã số vùng trồng và 25 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam đủ đáp ứng yêu cầu của Nghị định thư, đồng thời chấp thuận để sản phẩm sầu riêng từ các cơ sở này xuất khẩu sang nước bạn.sầu riêng tươi sầu riêng tươi
GIẢI THƯỞNG NGÀNH CHĂN NUÔI VIETSTOCK AWARDS 2022 CHÍNH THỨC TRỞ LẠI
Sáng 14/9, tại Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo về Triển lãm và Hội thảo Vietstock 2022 - Triển lãm quốc tế thương mại hàng đầu Việt Nam về ngành Chăn nuôi, Thức ăn Chăn nuôi, và Công nghiệp chế biến Thịt do Cục Chăn nuôi chủ trì tổ chức. Triển lãm diễn ra từ ngày 12 đến 14 tháng 10 năm 2022 tại Tp. Hồ Chí Minh với quy mô dự kiến lớn nhất Việt Nam. Sự kiện quy tụ hơn 150 đơn vị trưng bày đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như: Đan Mạch, Pháp, Đức, Ấn Độ, Ý, Nhật Bản,…. Bên cạnh đó, triển lãm cũng tổ chức nhiều hoạt động bên lề như Chương trình Hội thảo quốc tế, Hội thảo kỹ thuật nhằm mang đến các hoạt động bổ ích, cung cấp kiến thức chuyên sâu cũng như cập nhật các xu hướng mới nhất của ngành chăn nuôi. Đặc biệt, Giải thưởng danh giá ngành chăn nuôi Vietstock Awards 2022 cũng sẽ trở lại. Hạn chót nộp hồ sơ đề cử là ngày 26/9 và sẽ trao giải trong Lễ khai mạc Triển lãm và Hội thảo Vietstock 2022 ngày 12/10.
NGƯỜI NUÔI CÁ TRA GẶP KHÓ KHI GIÁ THỨC ĂN THỦY SẢN TĂNG CAO
Giá thức ăn nuôi cá tra tại ĐBSCL tăng cao khiến bà con phải thả nuôi cầm chừng, thậm chí phải treo ao.Hiện 1 kg thức ăn khi tới ao cá của nông dân ở Đồng bằng Sông Cửu Long có giá gần 14.000 đồng cao hơn cùng kỳ năm 2021 khoảng 3.000 đồng/kg.Xét về giá thành sản xuất, nông dân phải mất từ 27.000 - 28.000 đồng cho mỗi kg cá tra.Nguyên nhân khiến giá thức ăn thủy sản tăng cao là do các nhà máy chế biến phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Hiện người nuôi cá đang chuyển sang sản xuất liên kết với nhà máy, hợp tác xã để sử dụng nguồn thức ăn với số lượng và chất lượng đảm bảo đi kèm giá thành thấp hơn mua đơn lẻ. Đây là một trong những giải pháp căn cơ để ứng phó trước cơn bão giá thức ăn thủy sản hiện nay.
ỨNG DỤNG THAN SINH HỌC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG
Tại Hội thảo “Tiềm năng ứng dụng than sinh học giảm phát thải các-bon trong nông nghiệp Việt Nam” sáng 14/9, ông Vũ Thanh Liêm, phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN-PTNT cho biết, Nông nghiệp và năng lượng là các lĩnh vực phát thải và hấp thụ các-bon chủ yếu của Việt Nam. Cần nhìn nhận đúng đắn về tiềm năng ứng dụng than sinh học để giảm phát thải các-bon trong nông nghiệp. Việc phát triển nguồn “vàng đen” của ngành góp phần đạt được các mục tiêu giảm phát thải mà Chính phủ đã đề ra đồng thời cải thiện sinh kế cho người nông dân và biến những vùng nông thôn Việt Nam thành nơi đáng sống. Cũng tại hội thảo, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế cùng Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đã đưa ra các khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy hợp tác và phát triển sản xuất than sinh học tiêu chuẩn ở Việt Nam.