Trung Quốc lần đầu trồng thành công sầu riêng tại tỉnh Quảng Đông. Gạo Việt Nam khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Bờ Biển Ngà ngày càng tăng. Nông dân Lào Cai thu tiền tỉ từ cá quất.
TRUNG QUỐC LẦN ĐẦU TRỒNG THÀNH CÔNG SẦU RIÊNG TẠI TỈNH QUẢNG ĐÔNG
200.000 cây sầu riêng ở tỉnh Quảng Đông Trung Quốc đang kết trái khiến nước này thu đước những thành công đầu tiên với trái sầu riêng thương mại. Thời điểm thu hoạch dự kiến vào tháng 10. Những người trồng sầu riêng ở thành phố Mậu Danh, Quảng Đông Trung Quốc hy vọng mở rộng diện tích dựa trên thành công thử nghiệm. Sầu riêng là loại hoa quả nhập khẩu có sức hút nhất ở Trung Quốc, tính cả về khối lượng và giá trị. Năm ngoái, Trung Quốc Trung Quốc nhập khẩu 822.000 tấn sầu riêng, trị giá 4,21 tỷ USD, tăng lần lượt 42,7% và 82,4% so với năm 2020. Hiện tại, Thái Lan là nước duy nhất được cấp phép xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, trong khi Việt Nam và Campuchia cũng đang tìm cách tiếp cận thị trường, với việc thiết lập chặt chẽ hàng rào kiểm dịch.
GẠO VIỆT NAM KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ TRÊN THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ
Xuất khẩu gạo Việt Nam 7 tháng chạm mốc 2 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021. Kỷ lục này lần đầu tiên được ghi nhận tiếp tục khẳng định vị thế, giá trị hạt gạo Việt.
Tận dụng lợi thế về giá gạo Việt Nam so với Thái Lan và Ấn Độ hiện nay, doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh những phân khúc cấp cao để xuất khẩu được giá tốt hơn.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện được giao dịch ở mức 413 USD/tấn, cao nhất trong nhóm các nước xuất khẩu gạo chủ lực của thế giới.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng cho rằng cho rằng nguồn cung lúa mì, ngũ cốc trên thế giới đang khan hiếm. Vì vậy, nhu cầu cho gạo Việt những tháng cuối năm vẫn rất tốt, giá xuất khẩu sẽ tiếp tục giữ ở mức cao.
KIM NGẠCH XUẤT NHẬP KHẨU GIỮA VIỆT NAM VÀ BỜ BIỂN NGÀ NGÀY CÀNG TĂNG
Trong giai đoạn 2017-2021, trung bình mỗi năm tổng giá trị xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Bờ Biển Ngà đạt hơn 1 tỷ USD. Đặc biệt, mặt hàng gạo là một trong những mặt hàng lương thực thiết yếu quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Bờ Biển Ngà và Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 3,49 triệu tấn với trị giá 1,7 tỷ USD, tăng 15,4% về khối lượng và 3,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021. Những năm qua, mặt hàng điều thô là nguyên liệu mà Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu hàng năm lên đến 2 triệu tấn, trong khi đó Bờ Biển Ngà có thế mạnh là quốc gia sản xuất, có sản lượng hạt điều lớn nhất thế giới. Cục xúc tiến thương mại Bộ Công thương đánh giá với dân số xấp xỉ 26,5 triệu người, Bờ Biển Ngà là thị trường có sức tiêu thụ hàng hóa mạnh, trong khi yêu cầu về tiêu chuẩn sản phẩm lại không quá khắt khe. Xuất khẩu Việt Nam sang Bờ Biển Ngà những năm gần đây ngày càng tăng cao, đứng đầu trong số các thị trường châu Phi nói tiếng Pháp.
NÔNG DÂN LÀO CAI THU TIỀN TỶ TỪ CÁ QUẤT
Cá quất vốn sinh sống chủ yếu ngoài tự nhiên, ở sông suối nên để nuôi thành công loại cá này rất khó. Để nuôi được cá quất, nông dân xã Quang Kim, Bát Xát, Lào Cai xây dựng, đầu tư ao nuôi rất bài bản, khoa học, bờ ao được kè cứng bằng bê tông, mặt ao luôn thoáng đãng. Các phương tiện cơ giới có thể lưu thông dễ dàng tới các ao cá khi đến vụ đánh bắt. Do đó, chỉ sau 3 năm thả nuôi, đàn cá lớn nhanh, đạt 1,6 - 1,8 kg/con, với giá bán từ 500 - 700.000 đồng/kg, dự tính lứa đầu sau khi bán hết có thể thu về gần 2 tỷ đồng, trừ chi phí cũng lãi được trên 1 tỷ đồng. Nhận thấy đây là mô hình phát triển kinh tế mới nhưng hiệu quả cao, xã Quang Kim và huyện Bát Xát ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ nguồn vốn, kỹ thuật, thủ tục pháp lý xây dựng cá quất trở thành sản phẩm có nguồn gốc, sớm được công nhận và cấp sao OCOP. Cùng với đó, ngành nông nghiệp Bát Xát cũng tăng cường tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật nuôi cá và phòng bệnh cho cá.