Séng cù là loại gạo đặc sản nổi tiếng của vùng đất Than Uyên (Lai Châu) nơi có cánh đồng Mường Than, vựa lúa lớn thứ 3 của Tây Bắc.
“Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” - Đó chính là 4 vựa lúa lớn nhất của đất Tây Bắc gồm: Mường Thanh (Điện Biên); Mường Lò (Yên Bái); Mường Than (Than Uyên - Lai Châu) và Mường Tấc (Sơn La).
Đến với cánh đồng Mường Than với tổng diện tích sản xuất nông nghiệp khoảng 2.000ha. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng cho vùng đất màu mỡ, nguồn nước trong lành, khí hậu ôn hòa và đã tạo ra sản phẩm gạo Séng Cù Than Uyên thơm, ngon đặc trưng. Cùng bởi vậy mà từ bao lâu nay, người tiêu dùng ở huyện Than Uyên hay tỉnh Lai Châu đã không còn còn lạ lẫm với thương hiệu gạo này.
Ông LÒ VĂN NIÊN
Bản Nà Ban, xã Hua Nà, Than Uyên, Lai Châu
Gạo sén cù này dẻo hơn, thơm, ngon, dễ nấu, nó lại ăn ít nước nữa. Giá thóc sén cù thì bán được giá, dài hơn, dễ bán.
Séng Cù ngày nay có xuất phát từ giống lúa thuần chủng của bà con địa phương trước đây. Do là giống thuần chủng nên năng suất thấp hơn so với các giống lúa lai, nhưng giá trị lại cao gấp nhiều lần. Và để xây dựng thương hiệu, huyện Than Uyên đã xây dựng nhãn hiệu chứng nhận "Gạo Séng cù Than Uyên" nhằm hướng tới phát triển vùng sản xuất lúa hàng hóa đặc sản của địa phương. Đến nay với sự tham gia liên kết của doanh nghiệp, gạo Séng cù đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Cũng nhờ sự liên kết chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp, gạo Séng cù Than Uyên đã có đầu ra ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nơi đây.
Ông LÒ VĂN LÊN
Huyện Than Uyên, Lai Châu
Séng cù này phân chả bón nhiều như giống khác, cũng bình thường, năng suất không được như các giống lúa lai nhưng gạo ngon. Trồng rồi liên kết thì thấy có giá, gạo ngon thế nên tôi trồng liên tục, 2 vụ liên miên là lúc nào cũng trồng.
Ông LÒ VĂN BAN
Trưởng Bản Nà Ban, xã Hua Nà, Than Uyên, Lai Châu
Trước chưa làm liên kết thì bà con bán giá bấp bênh, chỉ được 11-12.000/kg, bây giờ liên kết thì giá ổn định hơn.
Nếu như trước đây bà con phải tự mang thóc, gạo đi bán cho thương lái với giá cả bấp bênh. Thì nay, toàn bộ diện tích sản xuất gạo Séng cù đã được liên kết với doanh nghiệp. Sau khi thu hoạch, đơn vị này sẽ thu mua tận ruộng với giá cả ổn định. Không những thế, doanh nghiệp còn sẵn sàng hỗ trợ bà con cả về kỹ thuật và vật tự đầu vào như phân bón hữu cơ, giống.
Với hệ thống máy móc xay được đầu tư hiện đại, gạo Séng Cù đã được đưa vào chế biến và đóng gói theo tiêu chuẩn. Cũng nhờ vậy mà loại gạo đặc sản này làm tới đâu, tiêu thụ hết tới đó. Mỗi năm đơn vị thu mua, chế biến gạo Séng cù cung cấp ra thị trường khoảng 100 tấn. Thậm chí, cung còn không đủ cầu.
Anh NGUYỄN HỒNG HẠNH
Giám đốc công ty TNHH MTV Dũng Long, Than Uyên, Lai Châu
Về phía công ty liên kết với bà con thì nguồn thu bà con sẽ ổn định. Chúng tôi thu mua tận nơi cho bà con, tiếp theo là chúng tôi cam kết cho bà con vay phân bón, giống trả chậm. Sau đó, khi thu hoạch thì bà con bán lại sản phẩm cho chúng tôi và giá sản phẩm lúc nào cũng cao hơn 1 đến 2 giá so với thị trường để làm thương hiệu gạo. Sản phẩm này người dưới xuôi rất thích và với giá thành này cũng dc chấp nhận, giá đảm bảo hơn so với thương lái.
Hiện, Séng cù được người dân trồng chủ yếu ở các xã Hua Nà, Mường Cang và thị trấn Than Uyên. Việc liên kết tạo thành chuỗi sản xuất khép kín, nhất là với giống lúa đặc sản đã và đang phát huy hiệu quả tốt, giúp bà con nâng cao thu nhập và yên tâm gắn bó với cây lúa, thửa ruộng của bản làng.
Ông TRẦN ĐĂNG TRƯỜNG
Phó chủ tịch UBND xã Hua Nà, Than Uyên, Lai Châu
Những năm qua đời sống bà con được nâng lên, giá trị hạt thóc được tăng lên. Chẳng hạn như Séng cù doanh nghiệp đang mua với giá không thấp hơn 15.000, thu nhập ổn định hơn so với giống khác, kết hợp với doanh nghiệp thì có giá ổn định, giá bảo hành nên bà con cũng yên tâm sản xuất.
Để giữ vững thương hiệu gạo đặc sản Séng cù Than Uyên, địa phương này đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về việc xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Séng cù. Cùng với đó, khuyến cáo người sản xuất phải đảm bảo thực hiện đúng quy trình kỹ thuật canh tác, chăm sóc lúa Séng cù như: sản xuất giống, sản xuất lúa thương phẩm, bảo quản và chế biến sản phẩm gạo; thực hiện đúng quy chế quản lý thương hiệu, quy trình kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận và kiểm soát chất lượng sản phẩm; xây dựng các kênh tiêu thụ, từ đó đưa đặc sản này thực sự có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.